Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Vui đùa vùng vẫy với bento cá


Nghịch một chút với những nắm cơm nhiều màu chính là niềm vui đến từ nghệ thuật làm Bento Nhật Bản, cùng làm quen với bạn Bento cá đầy đủ chất mà không lo mập nhé.


Nguyên liệu cần có:

1 lá rong biển nhỏ
1 củ cà rốt lớn
2 lá xà lách
Cơm cắm nhiều nước
2 trái trứng lớn
1 trái dưa leo
Cùng làm nhé:
Bước 1:
Cà rốt gọt vỏ, chẻ đôi rồi cắt làm 2 nửa hình tròn, hành lá thái nhuyễn nhé. Sau đó luộc cà rốt chín hoặc xào bơ cho thơm.
Bước 2:
Trứng gà lọc riêng lòng đỏ lòng trắng, đánh cả 2 với bột nêm cho đều. Phần lòng trắng cho thêm hành băm rồi dàn mỏng cho vào chảo chiên nghen.
Bước 3:
Lòng đỏ đã nêm nếm cũng chiên lên rồi cho vào phần lòng trắng chiên và cuộn lại.
Bước 4:
Rong biển khô ngâm nước cho mềm là vớt ra. Hành tỏi phi thơm chiên chung với rong biển và cơm nêm nếm vừa ăn. Chiên đến khi rong biển đều và ráo cơm là được.
Bước 5:
Pha màu cơm thành 2 màu, vàng và đỏ. Phần màu vàng thì chiên cơm cùng lòng đỏ trứng còn màu đỏ thì trộn kĩ cùng tương cà nhé. nắm thành đầu và thân cá.
Bước 6:
Bắt đầu xếp cơm vào hộp với một lớp xà lách dưới cùng, đến lớp cơm rong biển. Thêm một lớp dưa leo làm sóng biển nữa.
Bước 7:
Đặt đầu cá và thân cá vào vị trí, trang trí vây và đuôi bằng cà rốt cho đẹp, phần cà rốt tròn đặt lên làm vảy cá. Còn mắt và miệng là những miếng đầu dưa leo. Trứng cuộn xếp xung quanh cho màu hài hoà.
Đầu tư một chút cho bữa ăn thêm sắc màu nhé!

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Những đồ uống giúp giải nhiệt mùa nóng


Ngày hè nóng nực, cơ thể thường dễ mất nước. Những loại thức uống sau sẽ mang lại cho bạn những nguồn sinh lực mới mẻ và dồi dào hơn.
alt

Để bổ sung lượng muối và nước mất đi do ra mồ hôi: Hằng ngày cần từ 1,5 - 2 lít nước. Nếu làm việc ngoài trời nóng hay trong hầm lò thì lượng nước cần bổ sung nhiều hơn. Tốt nhất là sử dụng gạo rang, muối ăn, đường để chế thành nước uống cho công nhân, học sinh... Ngoài ra với từng cá nhân hay trong hộ gia đình có thể sử dụng các sản phẩm giải khát sau:

+ Nước ép củ mã thầy: Củ mã thầy tươi, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, ép lấy nước uống vừa giải nhiệt, giải khát lại bổ dưỡng.
+ Dưa hấu hay dưa bở: gọt bỏ vỏ xay hay ép lấy nước cho chút đường uống giải nhiệt, giải khát và bổ dưỡng.
+ Nước mía tươi: Uống vừa giải nhiệt, giải khát lại bổ dưỡng sức khỏe nhờ mía có vị ngọt, tính hàn, giàu dinh dưỡng.
+ Dùng ra má, diếp cá: Lượng tùy người sử dụng, xay lấy nước uống (có thể thêm chút đường cho dễ uống), có tác dụng giải nhiệt tốt.
+ Nước chanh quả  hoặc chanh leo càng hay, vắt lấy nước cho vài lát vỏ thái nhỏ vào. Chanh nhiều vitamine C, vừa có công hiệu giải khát, giải nhiệt rất tốt, lại còn tác dụng làm đẹp da, sát khuẩn, trị ho...
+ Chè đậu đen: Giúp giải nhiệt, giải độc ngày hè còn có công hiệu bổ dưỡng nhất là đối với người thận hư, suy nhược do cảm nặng...
+ Sữa chua: Rất tốt trong ngày hè vì có lợi cho tiêu hóa và tốt nhất là cho phụ nữ vì còn giúp làm đẹp da.
+ Bột sắn dây: vừa giải nhiệt, giải khát, giải độc và bổ dưỡng.
+ Nước chè xanh: Giúp giải nhiệt, giải khát và bổ dưỡng sức khỏe.
+ Nước lá vối, nụ vối: Giải nhiệt, giải độc, giải khát.
+ Nước khổ qua: ép lấy nước uống, giải nhiệt tốt cho mùa nắng nóng.
+ Nước mơ, nước sấu ngâm đường: vừa giải nhiệt, giải nắng, giải khát...
Các món ăn thanh đạm, giải nhiệt, giàu dinh dưỡng có công hiệu bồi bổ sức khỏe gồm:
Canh mồng tơi nấu cua, Bí xanh, Dưa leo, Rau đay, Rau ngót, Rau dền, rau muống nấu me hay quả sấu... nấu thành canh ăn trong bữa cơm hàng ngày.

Món Omuraice đến từ Nhật Bản


Omuraice hay còn gọi là cơm gà bao trứng là một món ăn hấp dẫn của người Nhật Bản đấy. Nhìn bên ngoài thì khá giống món trứng chiên cuộn lại của nhà mình, nhưng thực tế đấy chỉ là vỏ bọc bên ngoài thôi, bên trong lớp trứng này là cả một công thức làm nhân ngon tuyệt từ thịt gà và giá đỗ. 
Nguyên liệu cần có:
- 2 quả trứng gà
- 1 bát cơm nguội
- 1 bát giá đỗ
- 1/4 củ hành tây
- 1/4 quả ớt chuông xanh, 1/4 quả ớt chuông đỏ
- 1 bát thịt gà đùi lọc xương thái nhỏ
- Dầu ăn, gia vị, ketchup
Cùng làm nhé:
Bước 1:
Mình sẽ làm phần nhân trước tiên nhé. Các ấy bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào, dầu nóng mình phi hành tây, rồi đến ớt chuông, sau đó đổ thịt gà vào xào cùng, cho thêm cơm, gia vị và ketchup vào xào nè.
Khi hỗn hợp này gần chín, mình sẽ cho giá đỗ vào đảo, giá đỗ chín tới thì bắc ra luôn nhé.
Bước 2:
Lấy một chiếc chảo khác ra nào, rán trứng thật mỏng nha.
Bước 3:
Khi mặt trứng se lại, chúng mình đổ hỗn hợp cơm gà vào giữa.
Khéo léo cuộn 2 bên lại như thế này.
Sau đó gấp nốt 2 cạnh còn lại vào giữa, lật mặt rán tiếp 1 chút là xong.
Khi ăn, các bồ nhớ rưới một ít ketchup lên thế này là chuẩn rồi đấy.
Món Omuraice này cực kỳ dễ ăn và còn ngon nữa.
Teen nào mê văn hóa ẩm thực Nhật Bản chắc chắn sẽ thích món này cho mà xem. ^^
Hôm nào làm thử mà xem. Chúc các bồ ngon miệng. :X

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Khám phá đồ ăn ở những khu chợ đêm của Malaysia


Các bạn đã bao giờ nghe đến 66 chợ Ramanda chưa?
Các bạn có biết không? Vào tháng lễ Ramadan (thường vào tháng 8), Malaysia - đất nước Hồi giáo tuyệt đẹp sẽ mở cửa những khu chợ đêm Ramadan tràn đầy màu sắc và hương vị thâu đêm luôn đấy! Bởi tại đó có vô vàn những món ăn truyền thống ngon lành và hấp dẫn để đặc biệt dành cho những người Hồi giáo siêng năng sau một ngày nhịn ăn.
Tại các khu chợ này, ngoài các quầy hàng bán đồ lễ, trang phục Hồi giáo, đồ dùng gia đình, du khách còn được thưởng thức các món ăn của người Hồi giáo, đặc biệt là "bubur lambuk" - món cháo cổ truyền ngon tuyệt được nấu bằng khoai lang, tôm, thịt bò và thảo mộc. Babur lambuk là một món ăn đơn giản nhưng nhiều dinh dưỡng. Món cháo này cũng được rất nhiều thực khách ưa thích đó!
Các đầu bếp thường chuẩn bị những nồi "bubur lambuk" to khổng lồ và từng bát bubur lambuk ngon lành sẽ được các du khách xì xụp húp trong phiên chợ đêm, ta sẽ cảm nhận được một không khí rất Ramanda đến từ không gian, màu sắc, hương vị, mùi hương và cả âm thanh nữa.

Các bạn có biết tại sao món cháo này lại được nấu trong chiếc nồi siêu lớn như thế không? Lý do là vì thế này: Bubur lambuk thường được phục vụ trong bữa tối của tháng ăn chay khi những người Hồi giáo được phép ăn sau lúc Mặt Trời lặn. Việc chuẩn bị nấu Bubur lambuk là một sự kiện mang tính cộng đồng, thường được các công ty ở Malaysia bảo trợ thế nên cháo mới được nấu với khối lượng lớn để mọi người trong cộng đồng đều có cơ hội thưởng thức miễn phí.

Ngoài món cháo Bubur lambuk nổi tiếng, du khách đến các chợ đêm Ramadan ở Malaysia sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được nếm thử đồ ăn, thức uống đủ loại được bày bán tại đó.

Từ đặc sản của Malaysia như bún Laska (mùi vị rất giống với bún cá), Nasi Goreng nóng sốt, kẹo Dodol lạ miệng (giống kẹo dừa Bến Tre bên mình khủng khiếp nhưng mà… có thể ăn hơn 1 chiếc mà không thấy ngán), hủ tiếu xào Penang (Penang Char Quay teo), Ba Ku Te, rồi vô vàn loại bánh như bánh Himheang, bánh sầu riêng, bánh gà, bánh kẹp thịt nướng… đến đồ hải sản rẻ bất ngờ tự chọn tự nướng (đảm bảo là rẻ hơn mua đồ đông lạnh trong siêu thị ở mình), các đồ uống thì được pha chế cực kì lạ miệng.
Nasi Goreng là loại cơm rang có mùi vị rất đặc biệt được ăn kèm với các loại gia vị cay và thịt nướng.
Đặc sản Bakuteh thực chất là món mì sợi to rất được ưa chuộng ở đây. Một bát Bakuteh mì rất ít nhưng thịt kho thì đầy ụ, nước dùng ngọt như nước xương hầm.
Hàng núi thịt bò nướng, tôm nướng ngũ vị, cá cuộn nấm nướng, xúc xích nướng xiên… bốc hương nghi ngút mời gọi. Mỗi món nướng lại có 1 loại nước sốt, nước chấm riêng rất đặc biệt, cũng có món vị quen thuộc giống như nem chua rán của nước mình vậy.

Đến với hội chợ Ramanda, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được chất Á Châu đậm nét của người Malaysia và nét gần gũi, thân mật, ấm cúng của đồ ăn đường phố nơi đây.

Món nướng đặc sản ở Sapa


Du khách đến với Sapa không chỉ thích thú với không khí mát mẻ, trong lành mà còn mê mẩn khu phố đồ nướng với hàng chục món ăn thơm ngon.

Những quầy bán đồ nướng ở Sapa bắt đầu mở cửa từ sáng. Chỉ cần một chiếc bếp than, vài ba băng ghế gỗ và chiếc bàn cũ kỹ, người bán hàng đã có thể lập nên một quán nhỏ. Nhưng phải khi màn đêm buông xuống thì khu phố đồ nướng bên hông Nhà thờ đá Sapa mới trở nên tấp nập.
Ở đây có hàng chục quán lớn nhỏ với đủ loại món nướng, từ trứng gà, trứng vịt, thịt xiên, rau cải quấn thịt, cơm lam, chân cánh gà tới ngô, khoai và nhiều món đặc biệt, do chính người dân Sapa tự nghĩ ra. Vào buổi tối se lạnh, khu đồ nướng là nơi thu hút đông khách du lịch nhất vì không gian quán ấm áp nơi đây và những món ăn ngon miệng phù hợp với thời tiết lành lạnh ở phố núi.
Cơm lam và trứng nướng là đặc sản được nhiều người yêu thích.
Cơm lam và trứng nướng là đặc sản được nhiều người yêu thích.
Người bán hàng có thể chế biến nhiều nguyên liệu thành món nướng, từ thịt lợn, thịt gà, lòng mề, tới cả bánh bao, đậu phụ.
Người bán hàng có thể chế biến nhiều nguyên liệu thành món nướng, từ thịt lợn, thịt gà, lòng mề, tới cả bánh bao, đậu phụ.
Nhâm nhi những xiên thịt giữa trời lạnh là thú vui của khách du lịch.
Nhâm nhi những xiên thịt giữa trời lạnh là thú vui của khách du lịch.

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

2 món mì trộn có tên đặc biệt của Hàn Quốc


Hai cái tên Bibim Naengmyeon và Bibim Guksu có vẻ giống nhau nhưng lại rất phần khác biệt đấy các bạn ạ!
Ẩm thực Hàn Quốc được biết đến với rất nhiều món ăn đa dạng, nhiều màu sắc và vô cùng bắt mắt. Điểm đặc biệt của ẩm thực xứ Hàn là chỉ với những nguyên liệu hầu như giống nhau nhưng lại luôn tạo ra những món ăn khác nhau hoàn toàn. Bibim Naengmyeon (비빔 냉면) – tạm dịch là mì lạnh trộn và món Bibim Guksu (비빔국수) – tạm dịch là "phở" trộn là hai trong số những món ăn “cùng họ khác tên” của ẩm thực Hàn Quốc. Với tên gọi khác nhau, bất cứ người Hàn Quốc nào cũng dễ dàng phân biệt hai món ăn này, tuy nhiên với những du khách nước ngoài thì luôn mang theo mình không ít thắc mắc về chúng. Giờ tụi mình cùng nhau khám phá xem hai món ăn này có gì giống và khác nhau nhé!
 
 
Nhắc tới Naengmyeon chắc các bạn vẫn nhớ tới món mì lạnh mà chúng mình đã từng giới thiệu trước đây, vốn là một trong những món ăn được ưa chuộng nhất vào mùa hè tại Hàn Quốc. Không dừng lại ở món mì lạnh được yêu thích thông thường, các đầu bếp Hàn Quốc đã thể hiện sự sáng tạo không ngừng của mình khi kết hợp món mì lạnh với phương thức trộn các nguyên liệu để tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo chính là Bibim Naengmyeon. Công thức và thành phần của món Bibim Naengmyeon cũng không khác biệt nhiều so với những món trộn khác của ẩm thực Hàn Quốc như cơm trộn (비빔밥), mì trộn (비빔면), và miến trộn (잡채)… hỗn hợp các loại rau luôn là thành phần không thể thiếu trong các món ăn này. Điểm khác biệt lớn nhất của bibim naengmyeon với bibim guksu cũng chính là điểm khác biệt từ hai nguyên liệu naengmyeon và guksu. Naengmyeon là loại mì lạnh được làm từ bột kiều mạch, tinh bột khoai tây hoặc tinh bột khoai lang thế nên sợi mì khá dai; còn Guksu lại được làm từ bột mì (khi ăn sẽ thấy gần giống với sợi phở của Việt Nam). Để có thể nấu được Bibim Naengmyeon, người nội trợ chắc chắn phải sử dụng naengmyeon cùng các nguyên liệu khác, nhưng khi nấu Bibim Guksu người ta có thể thay thế guksu bằng loại mì soba của Nhật Bản (có 69% là bột mì và 29% là bột kiều mạch) hoặc sử dụng loại mì somen. Sợi guksu không dai như sợi naengmyeon và có phần mềm hơn, tạo cho thực khách cảm giác thoải mái khi thưởng thức.
Bibim Naengmyeon dai dai lạ miệng.
 
 
Bibim Guksu cay, ngọt.
 
Những nguyên liệu đi kèm của hai món trộn này cũng có ít nhiều khác biệt, nếu như Bibim Naengmyeon là sự kết hợp cùng với hành tây, tỏi, hành xanh, dưa chuột, trứng, quả lê, ớt mảnh, hạt tiêu, vừng, dấm, dầu mè, si-rô ngô, muối, nước tương, đường, bột mù tạc thì Bibim Guksu ngoài những nguyên liệu trên còn phải có chút rau diếp thái mảnh, bắp cải hoặc kim chi củ cải… tất nhiên nguyên liệu cũng một phần phụ thuộc vào đầu bếp và thực khách. Vì là món trộn nên người thưởng thức không những có thể tự tay trộn đều tô mì của mình mà còn có thể dễ dàng yêu cầu cho thêm hoặc bỏ bớt ra những nguyên liệu mà họ muốn.
Một điểm mà các bạn cần lưu ý đó là Bibim Naengmyeon hay Bibim Guksu thì nước sốt cay ngọt là thành phần không thể thiếu. Tuy nhiên, để có được nước sốt thật ngon lại không đơn giản tẹo nào.
Là một đất nước có mùa hè nóng và ẩm ướt, Hàn Quốc luôn biết làm hài lòng các cư dân của xứ mình bằng những món ăn xua tan đi cái nóng của mùa hè, những suy nghĩ về vị cay nóng của ớt sẽ không còn khi bạn trộn đều những bát Bibim Naengmyeon và Bibim Guksu, thay vào đó là cái dịu mát của những sợi mì lạnh, vị cay ngọt hài hòa của những sợi mì guksu, tất cả đều cùng nhau tạo nên những nét riêng, độc đáo của ẩm thực xứ kim chi.

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Nộm mướp đắng giòn mát




Mướp đắng làm nộm sẽ đảm bảo giữ được toàn bộ vitamin và các chất có ích trong mướp, hơn nữa khi ăn sẽ thấy giòn tan trong miệng, cảm giác rất thích thú. 


 Nguyên liệu:



½ quả mướp đắng to (hoặc 1 quả nhỏ)

½ củ cà rốt

½ củ hành tây

3 quả chanh nhỏ (lấy khoảng 15ml nước chanh)

2 thìa cà phê nước mắm (khoảng 10ml)
1 thìa cà phê đường (khoảng 5g)
Vừng rang, cá bào khô (hoặc tép khô ăn liền).

Bước 1:
Hành tây bóc vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng theo chiều dọc rồi ngâm với hỗn hợp nước + muối
+ dấm pha loãng khoảng 30 phút cho bớt hăng.

 Bước 2:
Mướp đắng rửa sạch rồi bổ dọc, dùng thìa nhỏ để cạo bỏ ruột.

 Bước 3:
Dùng nạo hoặc dao thái mướp đắng thành những lát mỏng.

 Bước 4:
Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch rồi nạo sợi.

 Bước 5:
Trộn hành tây, mướp đắng, cà rốt đã chuẩn bị ở các bước trên vào bát. Sau đó pha hỗn hợp
gồm nước mắm, chanh, đường vào 1 bát riêng, khuấy cho tan đường. Cuối cùng, chỉ cần trộn
bát nước này vào đĩa mướp đắng là đã có thể dùng được ngay rồi.

 Khi ăn, bạn cũng có thể thêm chút vừng rang vào cho thơm.
Nếu có thời gian và cầu kỳ hơn nữa, bạn dùng màng bọc thực phẩm để bọc kín tô mướp đắng,
cất vào ngăn mát tủ lạnh khoảng nửa tiếng thì lúc ăn mướp đắng sẽ vừa mát giòn mà lại ngấm
gia vị hơn, chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nữa đấy!

Trước kia, khi có mướp đắng là mình nghĩ ngay đến nhồi thịt hoặc xào trứng, nhưng giờ mình nhận thấy mướp đắng làm nộm thế này sẽ đảm bảo giữ được toàn bộ vitamin và các chất có ích trong mướp, hơn nữa khi ăn sẽ thấy giòn tan trong miệng, cảm giác rất thích thú. Đặc biệt, đang vào mùa mướp đắng, vừa ngon vừa rẻ, lại nhiều chất dinh dưỡng nữa chứ, bạn cũng thử xem nhé!

Càng ghẹ rang muối ớt


Đĩa càng ghẹ vàng óng, thơm mùi muối ớt là món ngon trong những ngày thời tiết dịu mát.

Càng ghẹ rang khô, trộn cùng ớt xay và muối ớt.
Vào những buổi tối, người dân Sài Gòn thường rủ nhau đi ăn hải sản hoặc món nướng, trong đó món càng ghẹ cay rang muối ớt là món được nhiều người ưa chuộng. Thịt ghẹ chắc hòa quyện cùng vị cay nồng của ớt, vị mặn của muối khiến thực khách cảm thấy vừa lạ miệng, vừa thơm ngon.
Món ăn này chủ yếu phổ biến ở Sài Gòn hoặc các thành phố biển miền Nam. Nếu không tìm được món này ở các nhà hàng, bạn có thể tự tay chế biển càng ghẹ, dành tặng cho gia đình vào dịp cuối tuần khi mọi người tụ tập ăn uống bên nhau.
Nguyên liệu cho 4 người ăn:
- 1 kg càng ghẹ tươi
- Tỏi băm nhuyễn, ớt xay, muối tôm, muối tinh
Thực hiện:
- Càng ghẹ tươi rửa sạch rồi hấp chín. Chú ý khi hấp cho thật ít nước.
- Khi càng ghẹ chín, vớt ra, dùng dao đập nhẹ cho vỡ vỏ để gia vị khi rang ngấm được vào thịt ghẹ.
- Trộn đều tỏi cùng ớt xay, muối tôm, muối tinh và 1 ít nước, khuấy đều để được hỗn hợp sền sệt.
- Bắc chảo lên bếp, đun chảo thật nóng rồi cho càng ghẹ và hỗn hợp muối ớt vào rang đều tay.
- Khi rang, cho thêm một chút nước.
- Rang đến khi càng ghẹ khô và muối ớt đóng cục là được.
- Bày càng ghẹ ra đĩa, nếu bạn ăn cay, có thể rắc thêm một lớp muối ớt lên trên. Món này dành để ăn khai vị và phải ăn nóng mới ngon.