Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Sườn hầm tam sắc

Sườn hầm tam sắc là một món có thể ăn với cơm hoặc dùng với bánh mì đều hợp.

Một món ăn nhiều sắc màu, bổ dưỡng với miếng sườn thật mềm, lẫn với vị bùi bùi của hạt sen, đậu Hà Lan, vị ngọt thanh của nấm rơm...
Nguyên liệu:
- 0,5 kg sườn
- 50 gram hạt sen
- 50 gr đậu Hà Lan
- 50 gr nấm rơm
- 1/2 củ cà rốt tỉa hoa
- 1 muỗng canh xốt cà chua
- 2 củ hành, 2 củ tỏi băm nhỏ
- Hạt nêm, đường

Cách làm:


- Sườn chặt miếng vừa ăn, rửa nước muối loãng, sau đó chần sơ qua nước sôi.
- Ướp sườn với 1/2 muỗng xốt cà chua, ít hành, tỏi, hạt nêm trong 15 phút.

- Phi hành tỏi thật thơm, cho sườn vào xào săn lại. Đổ nước sôi xâm xấp mặt sườn, cứ thế đun lửa riu riu khoảng 30 phút là sườn mềm. Thỉnh thoảng hớt bọt trong quá trình đun, cho thêm tí nước sôi mỗi khi sườn gần cạn nước.

- Cho cà rốt vào, nấu khi cà rốt gần mềm, cho tiếp sốt cà chua còn lại, hạt sen, nấm, đậu Hà Lan vào nấu đến khi các nguyên liệu đều nhừ, nêm hạt nêm và chút đường cho vừa ăn.
Khi nước sánh lại, nhấc xuống, trút ra đĩa, dùng nóng với cơm trắng hoặc ăn bánh mì đều ngon.

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Dưa sen miền Tây

Bạn đã từng nghe đến món dưa sen, đặc sản của người miền Tây chưa? Nếu chưa thì hãy cùng vào bếp để tìm hiểu công thức chế biến của món ăn này nhé!

Nguyên liệu
300g ngó sen
200g củ sen
1 củ cà rốt
1/2 lít giấm
300g đường
1/2 thìa cà phê muối
1 keo thủy tinh
 
 
Thực hiện
- Ngó sen bỏ xơ, cắt khúc 5cm, rửa nước pha chanh loãng.
- Củ sen gọt vỏ, cắt khoanh dày 0,5 cm, rửa nước pha chanh loãng.
- Cà rốt gọt vỏ, tỉa hoa cẩm chướng, cắt ngang dày 0,5cm.
- Tất cả nguyên liệu để ráo nước, sắp ngó sen, củ sen vào keo, trang trí cà rốt xung quanh thành keo.
- Nấu nước giấm đường, thêm chút muối cho đậm đà. Nước giấm sôi, bắc xuống trút vào keo thủy tinh lúc nóng giúp món dưa giòn và để được lâu hơn.
- Để keo vào nơi thoáng mát qua ngày hôm sau là dùng được.
 
Mách nhỏ:
- Cứ ½ lít giấm thì cho vào 300g đường. Ngoài ra, thêm ít muối cho món dưa sen thêm đậm đà.
- Keo muối dưa sen phải thật sạch, thật khô, không được có chút nước nào nếu không thì dưa muối sẽ không để được lâu. Tránh dùng hủ nhựa để muối dưa vì nước giấm và nhựa sẽ tạo thành mùi khó ăn.


Read more: http://afamily.vn/an-ngon/2010120605277391/Dua-sen-mien-Tay/#ixzz1HD3McM9o

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Lần theo "lai lịch" của chiếc bánh sandwich

Thì ra "Sandwich" lại là tên của một vị bá tước các bạn ạ!

Sandwich là món ăn được nhiều người yêu thích và ưa chuộng bởi cách chế biến không quá cầu kỳ và tiện dụng của nó. Người ta có thể ăn sandwich vào bất kì lúc nào, chỉ với 2 lát bánh mì, kẹp ở giữa là thịt xông khói, xà lách, cà chua, pho mát, thế là bạn đã có một chiếc sandwich ngon lành rồi.
Trên thực tế, Sandwich đã tồn tại rất lâu, trước cả khi nó được đặt tên theo cách này. Những chiếc bánh sandwich đầu tiên đã xuất hiện từ khoảng 100 năm trước Công nguyên cơ đấy! Trong dịp lễ Phục sinh, một người Do Thái đã ăn bánh mì kẹp với những lát táo và hạt đậu và thế là món sandwich được ra đời.
Lần đầu tiên, chiếc bánh mì kẹp này được goi là Sandwich là vào năm 1726, nó được đặt theo tên của Bá tước Sandwich đệ tứ, John Montague. Ông là một nhà quý tộc và rất ham mê chơi bài. Trong một lần chơi bài, Bá tước không muốn phải dừng chơi để ăn nên đã bảo người phục vụ kẹp vài miếng thịt bò vào giữa hai lát bánh mì rồi mang lên cho ông.
Nhờ đó, ông có thể vừa chơi bài vừa ăn. Những người chơi bên cạnh thấy vậy, thấy thật tiện nên cũng gọi món ăn “giống như Sandwich”, để họ có thể vừa cầm thẻ bài của mình, vừa ăn mà không hề sợ bẩn tay. Và thế là từ đó, lâu dần, người ta gọi món bánh mì kẹp thịt là Sandwich, theo tên của vị bá tước đó.
Dần dần, vào thế kỉ 19, bánh sandwich phổ biến ở Tây Ban Nha và Anh, khi xã hội công nghiệp phát triển, và mọi hoạt động của con người đều diễn ra rất nhanh và họ không muốn dành quá nhiều thời gian cho bữa ăn. Cứ thế, món sandwich chu du đến mọi miền, và cho đến thế kỉ 20, nó đã trở thành món ăn nhanh nổi tiếng và phổ biến khắp nơi.
Cùng tên gọi là Sandwich, nhưng ở nhiều nước, Sandwich lại có cách chế biến khác nhau, về cơ bản là khác nhau về nhân kẹp giữa bánh. Đến Anh, bạn có thể thấy món sandwich quen thuộc đó là sandwich với thịt xông khói. Ở Mỹ, mỗi chiếc sandwich thường có ít nhất hai lát bánh mì, có nghĩa là còn có thể nhiều hơn đấy các bạn ạ!
 
Tại Tây Ban Nha, từ bánh “sandwich” là một từ vay mượn từ tiếng Anh, thực chất nó dùng để chỉ một loại thực phẩm được làm bằng “sandwich”. Hay ở Việt Nam, món bánh mì kẹp pa-tê, xúc xích, cùng đồ chua, gia vị… cũng có thể được gọi là sandwich theo ý nghĩa bánh mì kẹp.
Một thông tin thú vị bên lề là vị ký giả Jannifer Biggs của báo Memphis Commercial Appeal đã từng nói: với món bánh mì thì người Việt nào cũng biết nhưng trong số 303 triệu người Mỹ, rất ít người biết “bánh mì”của người Việt hấp dẫn đến mức nào. Đây là thiếu sót lớn vì theo bà, bánh mì Việt Nam là “một trong các loại sandwich ngon nhất thế giới”. Thật đáng tự hào đúng không các bạn?


Read more: http://afamily.vn/an-ngon/20101203090213870/Lan-theo-lai-lich-cua-chiec-banh-sandwich/#ixzz1HD2z8zyE

Canh rau củ nấu sườn bổ dưỡng

Món canh này vừa nấu nhanh, gọn mà còn rất tốt cho sức khỏe nữa. Rau củ vừa chín tới chứ không bị rục nên làm nước canh ngon ngọt hơn.


Nguyên liệu:

- 1 kg sườn non
- 1 củ su hào
- 1 củ khoai tây
- 1 củ cải trắng
- 2 củ cà rốt
- 1/4 bắp cải nhỏ
- Hành lá/ngò
- Gia vị muối, tiêu, bột nêm.


Thực hiện:
- Thịt sườn rửa sạch, cắt vừa miếng ăn. Nấu nồi nước sôi, cho thịt vào để thiệt sôi chừng 5 phút cho thịt ra hết bọt. Đổ thịt ra, rửa lại thật sạch.

Nấu một nồi nước sôi khác, cho thịt đã được trụng vào lại, để cho sôi, hầm chừng 45 phút cho thịt thiệt mềm.
- Cho củ cải trắng vô nấu chừng 10 phút (vì của cải trắng lâu chín nhất), rồi khoai tây vô khoảng 5 phút, sau đó cho su hào vô 3 phút, cà rốt 3 phút và bắp cải vô cho sôi lên tắt lửa.

Nếu dùng hành lá thì cho hành gốc vào cùng lúc với bắp cải, khi tắt lửa cho phần lá vô. Nêm nếm gia vị muối, tiêu, bột nêm vừa ăn.
Mách nhỏ: Khi hầm thịt thì nên để lửa liu riu, nước sẽ trong. Đậy nắp lại thì hơi nước không bay mất, như vậy mình không phải thêm nước vô hoài làm nhạt nước.


Làm cả nhà nức mũi với món xôi dừa

Loại xôi thơm nức, béo ngậy mà ai cũng mê!


Chuẩn bị những nguyên liệu sau:
 
 
 
- 500gr gạo nếp
 
- 100gr dừa sợi
 
- 50gr vừng (mè)
 
- 80gr đường
 
- 20ml nước cốt dừa
 
- 1 quả dừa
 
- Một ít muối. dầu ăn

Đến phần thực hiện:
 
 
Bước 1:
 
- Vo sạch gạo rồi cho vào ngâm với nước dừa trong 6 tiếng. Sau đó, lấy ra, rửa sạch lại, trộn với một chút muối và để khô.
 
- Khi gạo khô, các bạn trộn vào đó với một chút xíu dầu ăn. Lượng dầu ăn cho vào xôi dừa là ít nhất trong các loại xôi nhé!
 
 
Bước 2:
 
- Đem gạo đi đồ (hấp) này. Các bạn chú ý tạo 3 lỗ nhỏ trên bề mặt gạo để xôi được chín đều nghen.
 
 
Bước 3:
 
- Trộn đều đường vào với dừa.
 
Bước 4:
 
- Còn với vừng, trước khi rang, các bạn cần rửa sạch nhé!
 
 
- Sau đó thì giã vừng nhỏ ra này. Nếu các bạn ngại thì có thể cho vào máy xay nhưng mà xay thì vừng sẽ không được thơm như giã đâu.
 
Bước 5:
 
- Khi xôi đã chín, các bạn rưới đều nước cốt dừa lên bề mặt xôi.
 
 
- Sau đó, phủ kín dừa sợi lên nữa rồi đậy vung vào, đồ tiếp khoảng 5' nữa nhé!
 
Bước 6:
 
- Khi xôi chín, các bạn đổ xôi ra một cái khay lớn. Dùng đũa trộn đều dừa lẫn vào với xôi và để xôi nguội đến khi không còn thấy khói bốc lên nữa.
 

- Rồi cho vừng vào trộn đều này.
 
Nếu các bạn trộn vừng vào khi xôi còn nóng thì xôi rất dễ bị chảy nước.
Giờ thì ăn được rồi đấy!
 
 
Xôi ngon là hạt xôi phải tơi, rời này...
 
 
... nhưng vẫn dẻo, thơm và béo ngậy nhá!
 
 
Các bạn cứ yên tâm đi!
 
 
Nếu làm đúng theo hướng dẫn, dù xôi có để nguội rồi thì vẫn cứ dẻo nhé!
 
 


Read more: http://afamily.vn/an-ngon/2010112405154412/Lam-ca-nha-nuc-mui-voi-mon-xoi-dua/#ixzz1HD076E3W