Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Nguồn gốc ngày Giáng sinh và những món ăn truyền thống



Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas. Từ tiếng Pháp, Noël là viết tắt của từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta".
Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại tổ chức vào tối ngày 24 tháng 12. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng".

Biểu tượng “Vòng lá mùa vọng” 


Vòng lá mùa vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh, thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí - dấu hiệu của mùa Đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu phái Lutheran ở Đức vào thế kỷ 16, nói lên sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối.

Vòng lá có hình tròn biểu tượng cho tính vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá thể hiện hy vọng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím - màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng - màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday).

Các món ăn trong đêm Giáng sinh:

Gà Tây quay
 

Vào thế kỷ thứ XVI, nhà thám hiểm Sebastian Cabot đem gà Tây về nước Anh. Mặc dù khí hậu lạnh không thích hợp với loại gia cầm này, nhưng gà Tây quay vẫn trở thành món ăn phổ biến của người Anh mỗi dịp Giáng sinh.

Gà Tây quay nổi tiếng đến nỗi năm 1843, nhà văn Anh Charles Dickens đã đưa nó vào tác phẩm kinh điển A Christmas Carol của mình. Món ăn này lan truyền sang Úc từ năm1788.

Bánh Pudding
 

Những bữa tiệc đón Giáng sinh về không thể thiếu chiếc bánh pudding thơm lừng, béo ngậy. Tuy nhiên, bánh pudding ngày nay khác xa chiếc bánh ngày xưa. Vào thế kỷ XV, bánh được làm từ mận, rượu vang, thịt bê thái nhỏ, vụn bánh mỳ, thảo dược, hành rau, trái cây khô và gia vị.

Khoảng thế kỷ thứ XVI, các loại rau và thịt mất dần. Đến thế kỷ thứ XIX thì thành phần và vị của nó rất gần với bánh pudding ngày nay. Người ta còn cho vào bánh vài hạt đậu hoặc đồng xu và tin rằng người ăn phải phần bánh này, sẽ gặp may mắn cả năm.

Bánh khúc cây
 

Trong lễ hội Yule cổ xưa, người ta phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn, đốt lên trong suốt 12 đêm để đón chào sự trở lại của thần mặt trời. Người dân tin rằng họ sẽ gặp điềm gở nếu thân cây cháy hết trước lúc kết thúc lễ hội.

Ngày nay, mỗi Giáng sinh, chúng ta lại có một ổ bánh kem chocolate nâu hình khúc gỗ được rắc ít chocolate trắng lên tượng trưng cho tuyết.

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Bánh tráng miệng tuyệt hảo




Bánh Tiramisu

Món bánh Tiramisu mang hương vị đặc trưng của nước Ý luôn được mọi thực khách yêu thích, có thể dùng làm món tráng miệng hoặc thưởng thức cùng trà, cà phê.

Nguyên liệu:

2 lớp bạt ga-tô, 350ml cà phê pha với đường, 4 lòng đỏ trứng, 100gr đường xay, 50ml rượu Marsala, 450gr pho mát Mascapone, 230ml whipping cream.

Thực hiện:

Dùng phới đánh nhuyễn lòng đỏ trứng gà với 30gr đường xay cho đến khi trứng có màu vàng nhạt. Cho kem phomat Mascapone vào thố, đánh tan. Tiếp tục cho nốt 70gr đường còn lại vào đánh cùng. Rót kem whipping vào và đánh khoảng 3 phút cho hỗn hợp kem thật mượt. Sau đó dùng phới gỗ trộn đều nhẹ tay cùng với kem trứng và rượu Marsala. Đặt lớp bạt ga-tô thứ nhất vào khuôn, dội cà phê cho thấm đều, phủ một lớp kem lên trên. Đặt tiếp lớp ga-tô thứ 2 lên, tiếp tục dội cà phê lên lớp bánh này và láng đều, mịn số kem còn lại lên mặt bánh. Để bánh trong tủ đông lạnh khoảng 2 giờ, sau đó bỏ ra và rắc bột cacao lên mặt bánh. Dùng hoa quả trang trí lên mặt bánh. Bảo quản bánh ở nhiệt độ từ 12-15 độ.

Thưởng thức:

Cắt bánh ra đĩa và thưởng thức cùng cà phê Espresso hoặc Capuchino. 


Bánh cà rốt

Bánh cà rốt là món tráng miệng rất hấp dẫn bởi vị đặc trưng bùi bùi của hạnh nhân quyện lẫn với hương thơm của bột quế, bơ và mật ong.

Nguyên liệu:

125gr bơ, 125gr đường, 1 thìa mật ong, 1 quả trứng, 1 thìa bột quế, cà rốt bào, hạnh nhân, cream cheese, 125ml whipping cream.

Thực hiện:

Dùng máy đánh bơ và đường xay cho tan đều, cho tiếp từng quả trứng gà vào đánh cùng. Trộn lẫn bột mì, bột nở và bột quế, sau đó đổ vào thố, dùng phới trộn đều với hỗn hợp bơ, đường và trứng gà đã đánh ở trên. Cho tiếp cà rốt, nho khô vào trộn đều. Dàn đều hỗn hợp bánh trên vào khuôn, cất vào tủ lạnh khoảng 10 phút cho bánh hơi cứng, sau đó đem nướng ở nhiệt độ 160oC với thời gian khoảng 40 phút là được.

Đổ bánh ra khỏi khuôn để cho bánh nguội. Cho kem cream cheese vào thố inox cùng với đường xay, mật ong. Dùng máy đánh tan đều, rót kem whipping vào từng chút một và đánh tiếp đến khi nào kem đặc lại và mượt là được. Phủ đều kem lên mặt bánh, láng mượt và trang trí với hạnh nhân.

Thưởng thức:

Món bánh cà rốt có hương thơm của bột quế và vị bùi ngậy của hạnh nhân, vị ngọt của mật ong. Bánh rất thích hợp khi thưởng thức với trà, cà phê hoặc bữa ăn nhẹ.



Bánh Mousse chanh leo



Với sắc màu vàng tươi đặc trưng của chanh leo, món bánh Mousse này sẽ đem lại cho bạn cảm giác tươi mát, sinh động trong những buổi liên hoan trong gia đình hay gặp gỡ bạn bè.

Nguyên liệu:

3 quả chanh leo, 2 lòng đỏ trứng, 125ml sữa tươi, 30gr đường trắng, 3 thìa bột gelatine, 320ml whipping cream, 2 thìa đường.

Thực hiện:

Dùng phới đánh đều 2 lòng đỏ trứng. Sau đó đun nóng sữa và đường, dội vào hỗn hợp trứng và đánh đều khoảng 3 phút. Hấp cách thủy gelatine với nước để có được một hỗn hợp có màu trong. Đổ nước chanh leo đã lọc hạt vào trộn đều. Cho kem whipping vào thố to, dùng máy đánh đều với tốc đọ nhanh dần cho đến khi kem đặc lại. Dùng phới trộn nhẹ tay kem, hỗn hợp lòng đỏ trứng và sữa lại với nhau.

Đặt lớp ga-tô mỏng vào khuôn, phủ một nửa số kem lên. Đặt tiếp lớp ga-tô thứ 2 lên và phủ nốt số kem còn lại lên trên. Dùng bàn xoa láng đều cho mặt bánh mịn và bỏ bánh vào tủ đông khoảng 2h cho bánh cứng. Trộn hỗn hợp chanh leo (để nguyên hạt) và gelatine khác để láng lên trên mặt bánh. Nhắc khuôn ra khỏi bánh và trang trí với hoa quả hoặc socola.

Thưởng thức:

Món bánh Mousse chanh leo mang vị ngậy của kem và vị ngọt mát của chanh leo.

 

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Mít trộn



hue5.jpg

Nguyên liệu:
-500g mít non, cắt nhỏ
-100g tôm sú, rửa sạch
-100g da heo
-3 tép tỏi, bằm nhuyễn
-2 củ hành tím, bằm nhuyễn
-1 ít rau răm, cắt nhỏ
-1/4 trái ớt sừng, cắt miếng nhỏ
-1 nhánh ngò rí, cắt khúc 
-2 muỗng canh mè trắng rang vàng
-2 muỗng canh đậu phộng rang vàng.
-2 cái bánh tráng gạo, nướng vàng
-1,5 muỗng cà phê hạt nêm 
-1/2 muỗng canh nước mắm chấm
-1/2 muỗng cà phê đường cát trắng
-1/4 muỗng cà phê tiêu xay
-2 muỗng canh dầu ăn.

Thực hiện:
-Luộc chín mít non, xé nhỏ. 
-Luộc chín tôm sú và da heo. Tôm sú cắt nhỏ, da heo cắt sợi. 
-Nướng vàng bánh tráng gạo. 
-Xào hành tỏi và hành tím cho thơm, cho tôm sú, thịt ba rọi vào xào đều. Nêm với hạt nêm, nước mắm và đường cát trắng cho vừa ăn.
-Cho mít luộc vào đảo đều cho thấm gia vị. Thêm mè trắng, đậu phộng, rau răm, tiêu xay vào chảo. Đảo đều. 
-Múc hỗn hợp trộn vào đĩa, trang trí với ớt sừng và ngò rí. Dọn ăn kèm với bánh tráng gạo.
Bí quyết
-Để món mít trộn được ngon và hấp dẫn hơn: nên mua mít non về luộc chín thay vì mua ngoài chợ.
-Để da heo được thơm hơn: khi luộc, cho ít hành tím, ngò rí và tiêu sọ vào.

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Bún ốc Hà Thành


NGUYÊN LIỆU:
 
1. Món bún ốc làm theo cách miền Bắc thường có dấm bổng. (Dấm bổng làm từ hèm rượu, là một gia vị hơi khó tìm. Ở SG, có thể tìm dấm bổng trong khu chợ Nghĩa Phát, ngã ba Ông Tạ đường Phạm Van Hai quận Tân Bình). Dấm bổng cho vị chua nhẹ và hơi thơm vị rượu, tuy nhiên bạn có thể thay bằng dấm nuôi hoặc nước me vắt.
2. Chuẩn bị ít nước dùng xương heo (hầm 300g xương heo với 2,5 lít nước + 100g hành tây + 2 muỗng cà phê muối, hầm lấy non 2 lít nước dùng, lược qua rây, vớt bỏ xác xương, hành).
. Chuẩn bị ít hành tím cắt lát mỏng phi vàng; hành lá cắt nhỏ; 150g me chín nấu với 1/3 lít nước cho tan, lược lấy nước chua. Ớt tươi băm nhuyễn xào chín với ít dầu, nêm vào ít nước me cho hỗn hợp có vị chua ngọt nhẹ.
3. Làm ốc bưu: Ở một số chợ có hàng nhận làm ốc lấy nạc cho khách sau khi mua hoặc mua ốc về tự làm kỹ hơn như sau: Lấy nước vo gạo vừa đủ ngâm lượng ốc muốn làm, ngâm ốc qua 12 giờ cho ốc nhả sạch đất bùn, vớt ra rửa lại cho sạch, chặt bỏ trôn ốc, cạy miệng, moi lấy nạc ốc, gỡ bỏ mày ốc, nặn bỏ phần ruột phân… cho muối bọt vào ốc, nhồi nhẹ tay xả lại nhiều lần nước lạnh qua một cái rổ thưa cho nạc ốc thật sạch nhớt, để ráo. 


THỰC HÀNH:


1. Trộn ướp khoảng 500g nạc ốc với: 2 muỗng súp nghệ tươi giã nhỏ (hoặc 1 muỗng súp bột nghệ khô) + 1 muỗng súp nước mắm ngon + 1 muỗng cà phê muối + 1 muỗng súp gừng non băm + 2 muỗng súp mỡ nước (món ăn sẽ đậm đà hơn là dùng dầu ăn) + 1hoặc 2 muỗng dấm bổng hoặc dấm nuôi (tùy độ chua của dấm đang có để gia giảm theo khẩu vị), để qua 20 phút, phi thơm 3 muỗng súp dầu hoặc mỡ nước với ½ muỗng súp hành tỏi băm, cho ốc vào xào nhanh tay, ốc mau chín, đừng xào lâu ốc sẽ dai.
2. Làm nước dùng dấm chua với cà chua: 500g cà chua chín, rửa sạch, ngắt cuống, chẻ dọc làm tám. Làm nóng 2 – 3 muỗng súp mỡ nước hoặc dầu cho cà chua vào xào chín mềm, châm nước dùng vào sấp mặt hỗn hợp, nêm lại với bột ngọt, nước me, muối đường tùy khẩu vị nhưng phải có vị chua nhiều… nấu nhỏ lửa cho mềm cà, sau cùng cho vào ít hành lá cắt nhuyễn. Giữ nóng nước dấm trên bếp.
3. Chuẩn bị bún tươi, ít rau thơm các loại như tía tô, húng cay, húng lủi, kinh giới, ngò gai… Nước mắm nguyên chất cho thêm chút gừng băm, chanh hoặc tùy ý pha loãng theo khẩu vị riêng. 


TRÌNH BÀY MÓN ĂN:
 
Chia bún vào tô, cho ốc và nước xào vào tô bún, tùy thích chan ít nhiều nước dấm cà chua vào, rắc hành phi, hành ngò cắt nhỏ vào, cho lên mặt ít ớt xào chua. Ăn kèm rau thơm, tùy ý nêm với nước mắm pha hoặc không. Nếu thích dọn kèm một chén ốc xào, chấm nước mắm gừng chua pha loãng ăn thêm.

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Bánh nậm đậm đà hương vị Huế



Cùng với bánh bèo, bánh lọc, bánh nậm từ lâu đã trở thành món ẩm thực đặc trưng của xứ Huế. Bánh nậm truyền thống được làm bằng bột gạo, nhân tôm và gói bằng lá dong.






Bột gạo hòa tan với nước, nêm thêm bột ngọt, muối, dầu ăn đủ dùng, bắc lên bếp. Khi gói xong, bột có màu trắng, dẻo. Khi ăn, bánh tan đều trong miệng, có vị mát thanh thanh, thấm thía vô cùng.
Nhân tôm được chế biến công phu. Tôm phải lột hết vỏ, chà muối cho sạch, đem băm nhỏ và đảo đều trên chảo dầu ăn được phi thơm bằng hành băm. Sau đó, nêm gia vị vừa ăn, xào đến khi khô thì lấy xuống, cho vào cối, giã cho tơi ra. Giã xong bỏ lại vào chảo, để lửa nhỏ, chà cho tôm tơi, bong đều.

Khi gói bánh, xếp một lá (cỡ lớn hơn bàn tay một chút) nằm dọc phía dưới, một lá nằm ngang phía trên, thoa dầu ăn lên lá để chống dính, rồi múc một muỗng bột vào, trải ra hình chữ nhật, nhân tôm bỏ theo chiều dọc. Xếp hai lá lại, bẻ thành hình chữ nhật, dùng thìa cán lên bánh cho bột mỏng đều. Gói xong, bỏ bánh vào nồi, hấp khoảng 15 phút là được.
Lúc ăn, lột bánh ra, trải lên đĩa, nhớ để nguyên lá gói, mùi của lá sẽ giúp người ăn đỡ ngấy. Múc nước mắm mặn tưới đều lên bánh, lấy thìa tre lóc ra, gấp thành miếng vuông vức. Bỏ vào miệng, nhớ đừng nhai vội để thưởng thức cảm giác bột gạo tan đều ra, thấm sâu, béo ngậy, thơm lừng.
Ở Huế, bánh nậm còn được làm chay, chỉ có nhân đậu xanh, dùng cho ngày rằm, mồng một. Đặc biệt, còn có bánh nậm nhân thịt... cóc, dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn không kém bánh nậm tôm.
Bóc một chiếc bánh nậm, phía dưới lớp vỏ mang màu xanh nõn của sự sống sẽ thấy rõ màu trong trắng của bột, màu đỏ son sắt của nhân, có lớp trên, lớp dưới, có trước, có sau như tính cách người Huế.


Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Cơm âm phủ Huế



Nguyên liệu:
  • 1 chén cơm gạo thơm  
  • 50 g chả lụa  
  • 50 g thịt nạc  
  • 2 cây nem chua nhỏ  
  • 1/2 trái dưa leo  
  • 1/2 muỗng cà phê tỏi ớt băm nhuyễn  
  • 1 muỗng canh nước mắm  
  • 1 muỗng cà phê đường  
  • 1 muỗng cà phê nước cốt trái chanh  
  • 2 tép tỏi đập dập băm nhỏ  
  • 1/4 muỗng cà phê tiêu  
  • 1/2 muỗng cà phê nước tương  
  • 1 muỗng cà phê dầu.  
Thực hiện:
1. Cơm nấu khô, xới rời, để nguội. Dưa leo rửa sạch, cắt lát mỏng. Chả lụa cắt hình tam giác. Nem bóc bỏ lá, cắt khoanh tròn. 

2. Thịt rửa, lau khô, cắt lát vừa ướp tiêu, tỏi, nước tương, dầu, để ngấm gia vị 30 phút, đem nướng vàng trên lửa than. Pha nước mắm với đường, chanh, ớt, tỏi, khuấy đều. 

3. Múc cơm ra đĩa, xếp dưa leo lên trên, chả, nem, thịt nướng xếp chung quanh, cơm ăn kèm với nước mắm ớt tỏi

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Chè Khoai Môn Huế



Nguyên liệu:
  • 1/2 khoai tía hấp, xay nhuyễn
  • 0,25kg dừa nạo làm thành nửa chén nước cốt dừa
  • 1 chén nước cốt dừa
  • 0,2kg đường cát
  • 0,2kg đậu xanh cà
  • 1 củ gừng nhỏ
Cách làm:

1. Khoai tía hấp chín, xay nhuyễn.
2. Đậu xanh cà hấp chín, xay nhuyễn, cho đường quậy đều.
3. Nấu sôi lại, cho một ít gừng cho thơm.
4. Múc ra chén, trang trí với nước cốt dừa.

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Cơm rang gà



Món cơm rang thịt gà quen thuộc vừa gọn, vừa đơn giản lại đầy đủ chất, thích hợp cho bữa sáng hoặc bữa ăn chiều.
Nguyên liệu:

* 5 bát cơm đã nấu chín, cơm nguội cũng được
* 1 củ cà rốt thái nhỏ
* 1 củ hành tây thái nhỏ
* 2 chén đậu Hà Lan
* Hành lá thái nhỏ
* 4 quả trứng
* 500 gr thịt ức gà, thái nhỏ
* 4 thìa xì dầu
* 1 chút bột ngô
* Muối tiêu

Cách làm:

1. Tẩm ướp thịt gà với một xì dầu, dầu vừng và bột ngô 


2. Đập trứng ra một cái âu, cho muối tiêu, đánh đều rồi cho vào chảo rán vàng hai mặt. Khi trứng chín rồi, để nguội bớt rồi thái miếng 



3. Cho chảo lên bếp đun nóng dầu ăn, cho tỏi và hành tây vào phi thơm rồi cho cà rốt vào xào chung độ 5 phút. 


4. Tiếp đến cho đậu Hà Lan vào đảo thêm 2 phút nữa 


5. Phần rau củ đang xào sang một bên hoặc không thì bạn cho hẳn ra một cái bát để xào thịt gà. Đảo thịt gà rồi đậy vung trong vài phút để thịt chín sau đó cho ra đĩa 


6. Cho dầu ăn vào chảo rồi rang cơm 


7. Khi cơm đã nóng và săn thì cho rau củ và thịt gà vào chảo, đảo đều. Nêm gia vị, xì dầu và hạt tiêu cho vừa ăn. 


8. Cho cơm rang ra đĩa, xếp những miếng trứng chín vàng lên trên và rắc thêm chút hành.


 

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Mẹo pha cà phê ngon



Nhiều hãng sản xuất đưa ra loại sản phẩm cà phê hòa tan với đầy đủ thành phần. Người dùng chỉ việc pha với nước nóng. Nhưng nếu bạn nghĩ, pha cà phê chỉ cần làm vậy thì sẽ không bao giờ có được tách cà phê ngon. Dưới đây là một số mẹo nhỏ để bạn hoàn thành công việc tưởng chừng đơn giản này.
Cách bước thực hiện:

- Trước hết, bạn cần mua đúng loại cà phê dùng cho cách pha phin, tránh mua những sản phẩm dành cho các kiểu pha đại trà.

- Nước pha cà phê phải là nước đang sôi, nước sôi hơi già càng tốt.

- Bắc nước từ bếp xuống pha ngay. Không nên dùng nước sôi chứa trong bình thủy.

- Lượng cà phê cần dùng tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, lượng trung bình khoảng 29 gam cho loại đen và 17 gam đối với loại có sữa.

- Đảm bảo phin và tách phải sạch và khô.

- Đặt phin lên miệng tách, cho vào phin một lượng cà phê, sau đó lắc nhẹ phin đều tay, xoay theo hình xoắn ốc cho có độ chặt nhất định.

- Tráng phin và ly cho nóng, rồi đặt ly vào một ly nước nóng khác rồi hãy cho bột cà phê vào pha.

- Chế nước sôi vào từ từ cho đến mức mình muốn. Không nên chế nước hai lần vào phin vì cà phê sẽ nhạt mùi.

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2009

Chữa ho và cảm lạnh bằng trà gừng

Chuẩn bị những nguyên liệu sau:
   
- Trà
- Gừng
- Chanh
- Mật ong
Đến phần hành động này: >:D<
Bước 1:
- Thái gừng thật nhỏ nhé!
Bước 2:
- Ngâm gừng vào nước khoảng 5' rồi lọc lấy nước.
Bước 3:
- Đun sôi nước gừng rồi cho trà vào pha nha!
Nếu đun lẫn cả bã gừng thì bọn tớ sợ là bị cay quá đấy! Uống không nổi đâu...
Bước 4:
- Rót trà ra cốc rùi thả thêm lát chanh vào cho thơm nào!
Nếu muốn uống ngọt thì dùng thêm mật ong ná!
Bài thuốc này có từ lâu lắm rồi đấy các bạn ạ!
Với các cơn ho nhẹ thì chỉ là chuyện vặt thôi...
Đi ngoài đường lạnh về mà được uống một chén trà này thì ấm lắm í!
Dùng thêm chút sả cũng được nha!
Uống có đá cũng ngon lắm đó nhưng lúc này công dụng chữa bệnh sẽ không được hiệu quả đâu

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Xúp gà hạt sen



hue2.jpg

Nguyên liệu:
-500g xương gà rửa sạch
1/4 củ hành tây
-1 khúc cà rốt
-1 nhánh rễ ngò
-3 hạt tiêu sọ
-120g ức gà phi lê, cắt miếng vuông
-50g hạt sen tươi, bóc vỏ, bỏ tim
-30g cà rốt, cắt hạt lựu
-30g nấm rơm nhỏ, cắt đôi
-2 muỗng cà phê hạt nêm
-1/4 muỗng cà phê tiêu xay
-1/2 muỗng canh dầu phi tỏi.
 
Thực hiện:
-Hầm xương gà với hành tây, cà rốt, rễ ngò và tiêu sọ để lấy 600ml nước dùng. 

-Luộc sơ chế gà, hạt sen, cà rốt và nấm rơm. 
-Đun sôi nước dùng gà, nêm với hạt nêm từ thịt và tiêu xay cho vừa ăn.
-Cho tiếp ức gà, hạt sen, cà rốt, nấm rơm vào nấu chín. Thêm ít dầu phi tỏi vào nước xúp cho thơm. 
-Múc xúp gà hạt sen vào chén, trang trí với ngò rí, dùng nóng.

Bí quyết
-Để nước dùng được trong, luộc xương và rửa sạch lại bằng nước lạnh trước khi nấu. 
-Để nước dùng được thơm ngon và đậm đà, dùng hạt nêm từ thịt để nêm nước dùng.

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Bún bò Nam bộ


Nguyên liệu:
-500 g thịt bò phi lê, rửa sạch, thái miếng mỏng vừa ăn
-1 - 2 củ hành tây, bóc vỏ, thái múi
-2 muỗng cà phê tỏi, bóc vỏ, băm nhỏ
-Gia vị: Dầu ăn, đường, tiêu xay, xì dầu, hạt nêm Knorr từ thịt thăn và xương ống.
-Đậu phộng, rang vàng, đãi vỏ, giã nát
-Hành tím, bào mỏng, phơi cho hơi héo héo, phi với dầu ăn cho thơm và vàng
-Rau ăn kèm gồm có: xà lách, rau sống, dưa leo, giá sống....
-Bún tươi, chọn mua bún sợi nhỏ và ráo
-Nước mắm chấm ngon Knorr, giấm, đường, ớt sừng băm nhỏ, tỏi băm và đồ chua để pha nước mắm chua ngọt.

Thực hiện:
-Ướp thịt bò với 1 muỗng cà phê tỏi băm, 2 muỗng cà phê xì dầu, 1 muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê tiêu xay, 2 muỗng cà phê dầu ăn và 2 muỗng cà phê hạt nêm Knorr từ thịt thăn và xương ống. Để thấm gia vị.
-Rau, sau khi nhặt rửa sạch, cuộn rau thơm vào xà lách, xắt nhuyễn. Giá, có thể để sống hoặc trụng sơ qua nước sôi, để ráo

-Cho ít dầu vào chảo, đợi dầu nóng, cho tỏi vào phi thơm, rồi cho thịt bò vào xào trên lửa lớn cho miếng bò vừa chín tới, cho hành tây vào đảo đều, tắt bếp.

-Thưởng thức: cho rau sống, giá, bún vào tô, rồi cho thịt bò xào lên trên, rắc đậu phộng, hành phi, chan nước mắm.

Mách nhỏ:
Cách làm hành phi:
-Ngâm hành tím trong nước, khi bóc vỏ sẽ không bị cay mắt.
-Bào mỏng hành, phơi qua 1 nắng.
-Dầu nóng, cho hành vào phi trên lửa nhỏ cho đến khi vàng, tắt bếp.
-Vớt hành tra khỏi dầu, để nguội.

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Bữa tối ngon với cá trứng sốt tỏi gừng



Cá trứng nhanh chín, không mất nhiều thời gian sơ chế và nấu nướng, chỉ thêm vài gia vị quen thuộc bạn đã có món cá trứng rán thơm ngon cho bữa cơm tối rồi.
Nguyên liệu:

Cá trứng 1 gói khoảng 250 gr

Tỏi, gừng băm nhỏ

Hành xanh thái nhỏ

Bột chiên

1 thìa rượu trắng

Ớt khô

Bột canh hoặc nước mắm

Cách làm:

Cá trứng mua về rã đông, rửa sạch. Cho cá vào bát ướp với 1/2 thìa bột canh (hoặc nước mắm), ¼ thìa đường và 1 thìa rượu, để 20 phút cho ngấm.

Tỏi, gừng bóc vỏ băm nhỏ trộn lẫn với một chút ớt khô.

Cá đã ướp lăn qua một lớp bột chiên mỏng.


Đặt chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn. Cho cá đã lăn qua bột vào rán lửa nhỏ, rán đến khi chín vàng 2 mặt là được.

Cá trứng rất nhanh chín nên bạn không cần chiên lâu.

Nếu trong chảo nhiều dầu thì dùng thìa múc bớt ra để lại chảo một chút xíu.

Cho gừng tỏi ớt vào xào đều lên với cá, trước khi tắt bếp thì rắc hành xanh, đảo nhẹ tay.

Cá cho ra đĩa ăn nóng với xì dầu và tương ớt.

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Bánh cuốn thịt nướng



hue1.jpg

Nguyên liệu:
-1 xấp bánh ướt
-200g thịt bò phi lê, cắt dày 1cm
-50g đu đủ non, bào sợi
-100g rau sống
-1/2 muỗng canh sả bằm
-2 tép tỏi, băm nhuyễn
-1/4 muỗng cà phê tiêu xay
-1 muỗng canh dầu ăn
-1/2 muỗng canh mè tráng, rang vàng
-1 muỗng cà phê hạt nêm.

Nước lèo
-100g tương ngọt
-20g thịt heo xay
-20g gan heo, băm nhuyễn
-2 tép tỏi, băm nhuyễn
-2 củ hành tím, băm nhuyễn
-1 muỗng canh đậu phộng rang, xay nhuyễn
-1 muỗng canh mè trắng rang vàng, xay nhuyễn
-1/2 muỗng ruốc Huế, pha loãng với nước
-1 muỗng cà phê hạt nêm
-1/2 muỗng canh nước tương.

Thực hiện:
-Ướp thịt bò với hạt nêm, tiêu xay, dầu ăn, sả bằm, tỏi bằm và mè trắng. Nướng hoặc chiên cho thịt bò chín vàng. 
-Xào hành tím, tỏi bằm cho thơm. Cho thịt heo và gan heo vào xào chín.
-Cho tiếp tương ngọt, nước lọc, nước ruốc vào đun sôi lên. Nêm với hạt nêm nước tương cho vừa ăn. Cuối cùng cho đậu phộng và mè trắng vào khuấy đều. 
-Đặt bánh ướt vào đĩa, cho rau sống, thịt bò vào cuốn lại. Dùng nóng với nước lèo.
Bí quyết
-Cách chọn thịt bò ngon: thịt bò ngon là thịt bò có màu đỏ tươi và mỡ màu vàng. 
-Để nước lèo có mùi vị đậm đà: dùng ruốc Huế pha loãng với nước để nấu nước lèo.

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Cơm rang thịt muối


Nguyên liệu:


* Cơm nóng
* 6 lát thịt muối
* Tôm thịt
* Mộc nhĩ
* 1 cây hoa lơ xanh nhỏ
* Xì dầu
* Muối

Cách làm:

Mộc nhĩ ngâm nở, thái nhỏ. Thịt muối, tôm và rau hoa lơ xanh cũng thái nhỏ vừa ăn

Đặt chảo lên bếp đun nóng, cho thịt muối vào xào trước.



Đến khi ra mỡ thì cho mộc nhĩ và tôm vào xào. Nêm chút gia vị



Đảo liên tục cho đến khi tôm chín đỏ. Cho tiếp hoa lơ xanh vào chảo xào, nêm đủ xì dầu và muối vừa ăn.



Đun khoảng 5 phút cho ngấm gia vị rồi cho cơm vào rang cùng



Trộn đều cơm và các nguyên liệu, rang đến khi hạt cơm săn lại, nêm xì dầu một lần nữa nếu muốn.




Cho cơm ra đĩa ăn nóng