Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Bánh cuốn thịt nướng



hue1.jpg

Nguyên liệu:
-1 xấp bánh ướt
-200g thịt bò phi lê, cắt dày 1cm
-50g đu đủ non, bào sợi
-100g rau sống
-1/2 muỗng canh sả bằm
-2 tép tỏi, băm nhuyễn
-1/4 muỗng cà phê tiêu xay
-1 muỗng canh dầu ăn
-1/2 muỗng canh mè tráng, rang vàng
-1 muỗng cà phê hạt nêm.

Nước lèo
-100g tương ngọt
-20g thịt heo xay
-20g gan heo, băm nhuyễn
-2 tép tỏi, băm nhuyễn
-2 củ hành tím, băm nhuyễn
-1 muỗng canh đậu phộng rang, xay nhuyễn
-1 muỗng canh mè trắng rang vàng, xay nhuyễn
-1/2 muỗng ruốc Huế, pha loãng với nước
-1 muỗng cà phê hạt nêm
-1/2 muỗng canh nước tương.

Thực hiện:
-Ướp thịt bò với hạt nêm, tiêu xay, dầu ăn, sả bằm, tỏi bằm và mè trắng. Nướng hoặc chiên cho thịt bò chín vàng. 
-Xào hành tím, tỏi bằm cho thơm. Cho thịt heo và gan heo vào xào chín.
-Cho tiếp tương ngọt, nước lọc, nước ruốc vào đun sôi lên. Nêm với hạt nêm nước tương cho vừa ăn. Cuối cùng cho đậu phộng và mè trắng vào khuấy đều. 
-Đặt bánh ướt vào đĩa, cho rau sống, thịt bò vào cuốn lại. Dùng nóng với nước lèo.
Bí quyết
-Cách chọn thịt bò ngon: thịt bò ngon là thịt bò có màu đỏ tươi và mỡ màu vàng. 
-Để nước lèo có mùi vị đậm đà: dùng ruốc Huế pha loãng với nước để nấu nước lèo.

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Cơm rang thịt muối


Nguyên liệu:


* Cơm nóng
* 6 lát thịt muối
* Tôm thịt
* Mộc nhĩ
* 1 cây hoa lơ xanh nhỏ
* Xì dầu
* Muối

Cách làm:

Mộc nhĩ ngâm nở, thái nhỏ. Thịt muối, tôm và rau hoa lơ xanh cũng thái nhỏ vừa ăn

Đặt chảo lên bếp đun nóng, cho thịt muối vào xào trước.



Đến khi ra mỡ thì cho mộc nhĩ và tôm vào xào. Nêm chút gia vị



Đảo liên tục cho đến khi tôm chín đỏ. Cho tiếp hoa lơ xanh vào chảo xào, nêm đủ xì dầu và muối vừa ăn.



Đun khoảng 5 phút cho ngấm gia vị rồi cho cơm vào rang cùng



Trộn đều cơm và các nguyên liệu, rang đến khi hạt cơm săn lại, nêm xì dầu một lần nữa nếu muốn.




Cho cơm ra đĩa ăn nóng

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Làm sao chiên cơm cho ngon



Cơm chiên là một món khoái khẩu của rất nhiều người.
Để chiên món cơm được ngon và thơm, chúng tôi mách bạn một số mẹo sau đây, mời bạn cùng tham khảo nhé.
Khi chọn gạo, không nên mua loại gạo cũ, gạo mới làm món cơm chiên có mùi thơm và có độ dẻo. Cơm chiên ngon phải được chiên trên nền cơm nấu thật ngon. Có nghĩa là hạt cơm được nấu chín mềm, không nhão, không khô, có độ dẻo.
Không chiên cơm ngay sau khi nhắc ra khỏi nồi nấu. Mà phải để cơm nóng ra rổ, đảo nhẹ cho cơm nguội và thật tơi.
 

Chiên cơm cần dùng lửa lớn nhưng không lớn đến độ có lửa trong chảo như các quán ăn buổi tối trên vỉa hè thường làm. Ðảo cơm chiên nên xào mạnh bằng cả hai tay hạt cơm mới vàng đều và khô rang.

Cơm chiên vị nêm ngon nhất là xì dầu và muối. Chính xì dầu làm cho cơm mềm và thơm, dễ phối hợp với các vị khác để làm các món cơm chiên hải sản, cơm chiên Dương Châu... hơn là nước mắm, vì nó cho mùi vị nồng và khó pha trộn hơn.


Chiên cơm cần dùng lửa lớn, nhưng không lớn đến độ có lửa trong chảo như các quán ăn thường làm. Ðảo cơm chiên nên xào mạnh bằng cả hai tay hạt cơm mới vàng đều và khô rang.

Muốn ngon hơn nên kết hợp với trứng và một số loại rau củ như: cà rốt, đậu Hà Lan (hoặc đậu cô que), cà chua, nấm mèo, lạp xường... đối với các loại nguyên liệu này nên được chế biến riêng và sau khi cơm đã được chiên vàng thì mới trộn hỗn hợp lại với nhau, riêng với trứng sẽ được chiên vàng và sau đó cắt hạt lựu trông sẽ ngon hơn là trộn trực tiếp với cơm khi chiên với cơm.

Nói chung mỗi người có một khẩu vị tùy theo sở thích của mỗi người muốn thêm gì hoặc bớt gì hay có những gì để cho vào. Có người thích món cơm chiên có vị giòn giòn thì thời gian chiên cơm kéo dài hơn một chút. Hoặc có thể chiên bình thường đến khi hạt cơm có độ bóng và săn lại là được.

Nếu không dùng cơm nấu ngay sau khi chín, bạn có thể sử dụng lại món cơm nguội của buổi tối ngày hôm trước chế biến cho buổi ăn sáng cũng sẽ rất ngon và hấp dẫn, vừa không phải bỏ phí phần cơm còn dư vừa thưởng thức được món ăn thật ngon nhưng không kém phần dinh dưỡng.

Còn bạn muốn không dính chảo khi cho thêm trứng thì theo mình nhất thiết không phải cho thêm dầu hoặc mỡ (nhiều người sợ béo ) mà bạn nên đảo hoặc lắc chảo nhanh tay vừa lắc vừa cho trứng vào.

Chú ý khi phi hành hoặc tỏi với dầu ăn bạn không nên để quá chín, vì sau khi cơm được tiếp tục chế biến với hành tỏi phi trên bếp sẽ làm cho cháy khét, mất ngon mà lại có vị đắng.

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Tôm xốc tỏi



hue4.jpg

Nguyên liệu:
-400g tôm sú, chẻ lưng
-100g tỏi, lột vỏ 
-1/2 củ hành tây, cắt miếng mỏng
-3 nhánh hành lá, cắt khúc
-1/2 trái ớt, cắt miếng mỏng
-100g xà lách, cà chua để trang trí
-1 muỗng cà phê hạt nêm
-1 muỗng canh đường cát trắng
-2 muỗng canh dấm trắng
-1/4 muỗng cà phê tiêu xay
-1 chén dầu ăn.

Thực hiện:
-Tôm sú chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. 

-Tỏi lột chiên vàng, vớt ra để ráo dầu. 
-Xào hành tây với dầu ăn cho thơm. Thêm tôm sú, tỏi vào đảo đều. Nêm với hạt nêm, đường cát trắng và dấm cho vừa ăn. Thêm hành lá và ớt sừng vào đảo đều. 
-Múc tôm xốc tỏi vào đĩa, dùng nóng.
Bí quyết: 
-Để tôm sú mau chín và không bị chảy nước trong khi xào: chiên sơ tôm trước khi xào. 
-Để tỏi được thơm hơn: chiên tỏi cho vàng trước khi xào.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Cơm hến



hue3.jpg



Nguyên liệu:

-300g gạo thơm, vo sạch
-300g thịt hến, đãi sạch
-1 miếng da heo ngâm nước cho mềm
-300g rau sống, cắt sợi (bạc hà, bắp chuối, khế, rau thơm)
-1 cái bánh tráng gạo
-2 muỗng canh đậu phộng rang
-2 muỗng canh mè trắng
-2,5 muỗng cà phê hạt nêm
-1/2 muỗng cà phê đường cát trắng
-1/4 muỗng cà phê tiêu xay
-1 muỗng canh ruốc Huế, pha loãng với nước lọc
-1 muỗng canh ớt tương.


Thực hiện:
-Gạo thơm nấu chín, xới cho tơi cơm. 

-Hến luộc chín, phần nước hến nêm với ít gia vị và gừng non. Thịt hến ướp với hạt nêm và tiêu xay. Sau đó xào chín với hành tím và tỏi bằm. 
-Da heo chiên giòn. 
-Bánh tráng gạo nướng vàng.

-Nấu sôi ruốc Huế, sau đó nêm với hạt nêm và đường cát trắng cho vừa ăn. 
-Sắp lần lượt rau sống, cơm trắng, nước ruốc, ớt tương, thịt hến, da heo, đậu phộng, mè trắng và bánh tráng vào tô. 
-Dùng nóng với nước hến.


Bí quyết:
-Để nước hến không bị tanh, khi luộc cho thêm ít gừng. 
-Để thịt hến thơm ngon, đậm đà hơn, hãy ướp thịt hến với hạt nêm trước khi xào.

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Đi tìm nét riêng của các loại café Ý

Làm cách nào để phân biệt được các loại café Ý như Cappuccino, Latte, Macchiato hay Mocha nhỉ??? 

Được bắt nguồn từ nước Ý, Espresso còn có nghĩa là “một cách tức khắc” - tức là loại café có thể phục vụ cho khách hàng ngay lập tức và bắt đầu xuất hiện vào khoảng những năm 1930. Ngày nay, người ta đếm có khoảng ít nhất 10 loại café được bắt nguồn từ Espresso được phổ biến và ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới. Để không khiến các ấy “hoa mắt”, chúng mình sẽ chỉ “điểm mặt” các loại café quen thuộc đối với teens chúng mình nhất thôi nhé!

Để có được một tách Espresso “chính hiệu” thì người ta phải rang những hạt café sẫm màu rồi xay rất nhuyễn, sau đó được pha chế bằng cách dùng nước nóng nén dưới áp suất cao. Nhờ vậy mà một tách Espresso sẽ có vị rất đậm và trên mặt có một lớp bọt màu nâu còn gọi là Crema rất thơm mà không đắng ngắt. Có kha khá nhiều những “tranh cãi” nảy lửa về phương thức làm ra một tách Espresso “tuyệt hảo” nhất, người thì nói rằng nguyên liệu cần phải có sự pha chế theo tỉ lệ 60% là café Arabica và 40% là Robusta, người thì lại “cương quyết” cho rằng chỉ có một tách Espresso với 100% là hạt café Arabica mới là “số dzách” cơ đấy.
Gần giống với Espresso nhất là Espresso con panna với một chút kem tươi ở phía trên
Trong tiếng Ý thì “Macchiato” có nghĩa là lốm đốm và cũng vì “cái tên” này mà có khá nhiều tranh cãi trong cách pha chế của loại đồ uống này. Có người thì nói Macchiato là Espresso được cho thêm vài vệt sữa trên bề mặt tạo thành các đường vân trong khá đẹp mắt mà thôi. Tuy nhiên hiện nay thì nhiều quán café họ lại cho kha khá nhiều sữa vào tách Macchiato, thế nên có rất nhiều sự nhầm lẫn giữa Macchiato và Latte.
“Latte” được bắt nguồn từ từ Caffellatte trong tiếng Ý có nghĩa là café và sữa. Nếu người “thưởng thức” không thật sành sẽ rất hay nhầm lẫn vị của Latte với Cappuccino bởi cả hai đều có 3 thành phần cơ bản: café espresso, sữa nóng và bọt sữa. Tuy nhiên, nếu như ở Cappuccino người ta cho lượng sữa nóng có thể tương đương so với bọt sữa thì ở Latte lượng bọt sữa lại được cho bằng 1 nửa với sữa nóng mà thôi. Vì thế mà một tách Latte bao giờ cũng ít “bồng bềnh” hơn so với Cappuccino. Và theo đúng “chuẩn” truyền thống thì Cappuccino được uống trong những tách dày được hâm nóng trước còn Latte lại được uống trong các chiếc ly khá to đấy nhá! Có một điểm thú vị nữa là Latte lúc mới được “sáng tạo” là để dành riêng cho trẻ em vì lượng cafein trong này khá ít và có độ ngậy tương đối cao. Về sau thì dần dần chính người lớn cũng bị mê mẩn bởi thức uống này nên nó trở thành đồ uống cho mọi lứa tuổi. Cũng xuất phát từ cùng một lý do đó, ở Ý người ta còn nghe danh thêm cafe hag (có tên đầy đủ là granita di caffè con panna) cũng là một loại café không chứa cafein, rất chi là thích hợp cho tuổi teens chúng mình nhỉ!
Và chắc chẳng ai còn xa lạ gì với café Cappuccino rồi đúng không? Một tách café này cũng gồm có 3 phần là: café Espresso, sữa nóng và bọt sữa và thường được chia rất đều nhau nhá! Tuy nhiên, tùy vào nơi pha chế mà lượng Espresso cũng khác nhau. Có nơi để nguyên Espresso đậm đặc nhưng lại có nơi pha loãng Espresso cùng với lượng nước gấp đôi. Và để hoàn thiện tách Cappucino thì không thể không nhắc đến “nghệ thuật vẽ” trên mặt lớp bọt sữa rồi. Còn về tên gọi của Cappucino thì trên dự đoán là được bắt nguồn từ tên gọi của các nhà tu dòng Capuchin vì màu áo thụng của các vị ấy rất giống với màu của café. Cái này thì chưa có ai kiểm chứng được đâu…
Thứ đồ uống được các teens không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước ưa chuộng nữa chính là Mocha. Không “đơn giản” như Cappuccino hay Latte, ở Mocha, người thưởng thức sẽ được hưởng trọn vẹn cả vị thơm béo của kem tươi và vị ngậy của chocolate nóng. Espresso trong Mocha cũng được pha chế bằng hơi nước nên lượng cafein cũng rất ít. Với mùi hương nhẹ của café trộn với vị ngọt dịu của kem và chocolate, lại còn không gây mất ngủ, lo lắng vì sợ nóng, Mocha luôn được coi là thức uống “ưa thích bậc nhất” cho mọi lứa tuổi.
Cuối cùng được “điểm danh” đến là loại café nghe tên “rất Mỹ” nhưng lại hoàn toàn bắt nguồn từ nước Ý – café Americano. Thực ra, Americano chính là Espresso nhưng được pha loãng với lượng nước gấp đôi. Nhiều người không hề thích Americano tẹo nào vì họ cho rằng nó đã “phá tan” cái “chuẩn” của Espresso nhưng lại có những người rất khoái Americano vì nó vừa giữ được hương vị của Espresso nhưng đồng thời cũng hạn chế được nhiều tác hại từ cafein.
Có người từng nói “nếu bạn chưa một lần thưởng thức qua hương vị của Espresso thì có nghĩa bạn chưa từng bao giờ đặt chân vào đến thế giới của café”. Nói vậy thôi chứ, café được pha bằng phin của người Việt mình cũng ngon đâu kém, rất thơm và đậm vị!

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Bún ngon!

Bên cạnh món phở truyền thống, bún cũng là một món ăn dân dã mang đậm hương vị Việt. 
Bún suông 


Có cái tên khá dân dã và mộc mạc nhưng bún suông lại đòi hỏi sự tỉ mỉ và chu đáo của người làm bếp.

Nguyên liệu:

1 lít nước dùng; 300g tôm sú; 50giò sống; thịt cua; 50g thịt heo đùi; bún tươi; rau sống; mắm ruốc Huế; me; tương cà...

Chế biến:

Tôm rửa sạch, luộc sôi vớt ra bóc vỏ, lấy chỉ đen và để ráo nước. Nước luộc tôm và nước dùng (từ xương heo) bỏ chung, nấu sôi nêm gia vị và mắm ruốc, me sệt, tương cà, nước mắm vừa ăn. Thêm màu hạt điều cho nước dùng có màu đẹp. Thịt đùi luộc chín, thái sợi.

Làm con suông:

Lấy 1/2 số tôm đem ướp nước mắm ngon rồi lau khô, xay nhuyễn trộn với giò sống, thịt cua, đầu hành trắng. Sau đó trét tôm lên bàn dao, dùng đũa gạt con suông xuống nồi nước dùng đang sôi. Khi con suông chín sẽ nổi lên.

Thưởng thức:

Lấy bún vào tô, bày lên mặt tô hai con tôm, hai con suông, vài sợi thịt đùi. Đổ nước dùng lên trên, thêm hành lá, ngò và hành tây cắt nhỏ. Ăn kèm rau bắp chuối, xà lách, rau muống bào, giá và vài cọng húng lủi. Hương vị ngọt mát của nước lèo, miếng thịt suông vừa dai, vừa mềm, rau xanh tươi ngon sẽ là phần thưởng cho tài nội trợ của bạn.

Bún cua lá chanh

Không giống như món bún cua chế biến từ thịt và gạch của cua đồng, món bún này sử dụng của lột làm nguyên liệu chính. Tô bún cua của bạn sẽ dậy hương thơm đặc biệt khi cho thêm vài lá chanh thái chỉ.

Nguyên liệu:

10 con cua lột; thanh cua: 5 cây; 2 lít nước dùng; bún sợi nhỏ; gừng, riềng, sả cây..., gia vị; dầu mè; chanh.

Chế biến:

Cua lột làm sạch ướp với gia vị cho vừa ăn, cho cua vào lò vi ba hấp vừa chín tới. Gừng, riềng cắt sợi, sả đập giập cho vào nồi nước dùng tạo hương thơm. Sau đó nêm gia vị và thêm chút dầu mè. Chờ nước lèo sôi cho nước cốt chanh. Nếm gia vị nước lèo hơi chua, vừa ăn là được.

Thưởng thức:

Cho bún ra tô lớn, xếp 2 con cua, thanh cua xé sợi lên trên mặt. Chan nước dùng lên trên, rắc lá chanh cắt sợi và vài lát ớt. Ăn kèm rau muống bào, lá quế và húng cây. Món ăn này rất tốt cho trẻ em và người già vì cua là loại thực phẩm rất bổ dưỡng và giàu canxi. Thêm chút chanh tươi và nước mắm ngon để tăng thêm hương vị đậm đà.

Bún sứa nước


Sứa là món ăn mát, rất tốt cho cơ thể vì có tác dụng giải nhiệt. Miếng sứa thanh thanh giòn giòn hòa cùng vị ngọt của nước lèo sẽ cho bạn một cảm giác thật thú vị. Dùng sứa làm nguyên liệu chính của tô bún sẽ là một thử nghiệm lạ lẫm cho vị giác của bạn.

Nguyên liệu:

500g sứa nước, 2 lít nước dùng, 150g tôm bạc; bánh tráng nướng; cà chua, màu điều, gia vị, mắm ruốc Huế; bún lớn, xà lách...

Chế biến:

Phi thơm hành tỏi, cho cà chua đã bằm nhuyễn vào đảo đều. Chờ khi cà chua nhừ, dậy màu và mùi thơm thì cho tiếp nước dùng vào nấu sôi. Nêm mắm ruốc, hạt nêm, tương cà cùng các loại gia vị cho vừa ăn.

Sứa xả nước lạnh, rửa sạch, vắt khô, để ráo nước. Cắt sứa thành miếng vừa ăn. Bắc chảo nóng, phi hành tỏi cho thơm và cho sứa vào xào, nêm gia vị vừa ăn. Thêm rau quế cắt khúc vào đảo đều và tắt bếp.

Trong khi xào sứa, bạn nên đảo nhanh tay cho sứa không bị nát và mềm. Có thể thêm một chút màu hạt điều nếu bạn muốn miếng sứa có màu lạ mắt.

Thưởng thức:

Cho bún ra tô, lần lượt xếp tôm, sứa lên mặt và chan nước lèo. Cho thêm một ít bắp chuối, bạc hà cắt sợi, xà lách, rau thơm lên trên cùng với bánh tráng nước bé nhỏ.


Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Bánh ngọt khoai lang

Nguyên liệu để làm 20 cái bánh.
Khoai lang: 1 củ to
Đường: 1/2 cốc
Kem tươi hoặc sữa: 1/2 cốc
Bơ: 30g
Muối: đủ dùng
Bột quế: 1 chút
Lòng đỏ trứng: 2 quả
Mứt đậu đỏ (túi): 200g
Nước: 1 chút
Xì dầu: 1 thìa nhỏ
Mirin ( một loại gia vị của Nhật): 1 thìa nhỏ
Vừng đen: vừa đủ


Tiến hành làm thôi:

1. Đầu tiên, các bạn đem khoai lang đã bỏ vỏ rồi cắt vừa, luộc chín hoặc cho vào lò vi sóng cho chín mềm.






2. Dùng que tre xiên qua nếu thấy mềm thì bỏ ra rổ cho ráo nước






3. Khi khoai đã ráo nước thì cho vào chảo rồi nghiền nát






4. Sau khi khoai đã được nghiền nát thì các bạn cho thêm đường, kem tươi (hay sữa), bơ và muối vào.






5. Đặt chảo lên bếp, cho nhỏ lửa rồi đánh đều cho bay hết hơi nước.






6. Cho đến khi quánh lại thì bắc ra để nguội.






7. Sau đó cho một lòng đỏ trứng và bột quế vào, trộn đều lên.






8. Chia mứt đậu đỏ thành 20 phần, viên tròn lại (như hình dưới).






9. Lấy phần khoai đã được trộn đều bọc xung quanh mứt đậu đỏ mà các bạn vừa viên tròn ở bước trên.







10. Trải những viên bánh đã nặn rồi đặt lên tấm lót của lò nướng.






11. Trộn nốt lòng đỏ trứng còn lại với nước thành một dung dịch rồi dùng bàn chải bôi xung quanh bánh, cho vào lò nướng ở 180 độ, nướng trong 15 phút.






12. Khi bánh đã hơi vàng thì lại bôi dung dịch trứng lên 1 lần nữa rồi nướng tiếp trong 5 phút ở 180 độ.






13. Trộn xì dầu và mirin, dùng bàn chải quết đều rồi rắc vừng đen lên trên. ( nếu không quết lên thì không rắc vừng.) Sau đó cho vào lò nướng thêm 1 phút nữa.



Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Bữa sáng giàu dưỡng chất


Bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ bổ sung cho cơ thể nguồn năng lượng mới sau giấc ngủ dài và sâu, khởi động cho một ngày mới thật hiệu quả.

Mì gà chua cay

Nguyên liệu:

1 cái đùi gà, 2 vắt mì tươi, 1/2 thìa cà phê tỏi băm, 1/2 thìa cà phê tương cà, 1/2 thìa cà phê tương ớt, 2 chén nước dùng, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê muối,1/2 thìa cà phê nước cốt chanh, 1 thìa súp dầu ăn

Thực hiện:

Đùi gà rửa sạch, chặt miếng vừa ăn. Phi thơm tỏi băm, cho gà vào đảo cho săn gà. Cho tiếp tương cà, tương ớt vào đảo cho gà thấm. Đổ nước dùng vào hầm gà. Nêm gia vị vừa ăn. Cho thêm một ít nước cốt chanh để món mì có vị chua cay vừa ăn.

Bắc nước sôi, cho mì vào trụng chín, vớt mì ra tô, chan nước dùng gà lên. Dùng nóng.

Bánh mì đút lò

Nguyên liệu:

100g thịt bò băm, 1 ổ bánh mì, 1 trái cà chua,1 thìa cà phê hành tây băm nhuyễn, 1 lát phô mai, 1/2 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa súp nước tương, 1/2 thìa súp dầu ăn.

Thực hiện:

Thịt bò ướp nước tương, hạt nêm, dầu ăn để thấm. Cà chua rửa sạch, bỏ hạt, xắt hạt lựu. Phô mai xắt sợi. Bánh mì cắt khoanh. Đun nóng dầu, cho hành tây vào xào thơm, thêm cà xào mềm rồi trút thịt bò vào xào chín.

Cho một lớp thịt bò lên bánh mì. Xếp vài sợi phô mai lên trên. Cho bánh mì vào lò nướng khoảng 10 phút. Dùng kèm tương ớt, dưa leo.

Mì khô đùi gà quay
 

Nguyên liệu:

1 cái đùi gà, 50g xà lách, 1 vắt mì tươi,1/2 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1/2 thìa cà phê ngũ vị hương, 1 thìa súp dầu ăn, 1 thìa súp nước tương.

Thực hiện:

Đùi gà rửa sạch, ướp muối, đường, hạt nêm, ngũ vị hương khoảng 15 phút cho thấm gia vị sau đó luộc chín. Bắc chảo dầu nóng, cho gà luộc vào chiên vàng, chặt miếng vừa ăn.

Trụng sơ mì, vớt ra tô. Xếp đùi gà lên trên. Dùng nóng kèm với xà lách, nước tương ớt.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Gạo nếp chữa bệnh viêm loét dạ dày



Gạo nếp là loại thực phẩm quá quen thuộc với mọi người dùng chế biến bánh chưng, bánh tét, nấu xôi, nấu chè, làm các loại bánh. Trong y học cổ truyền, gạo nếp thường được dùng để chữa suy nhược cơ thể, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, tá tràng...
Dân gian hay dùng cơm nếp nóng để chườm chữa tắc tia sữa cho sản phụ. Lấy cơm nếp nguội giã nhuyễn, trộn với bột thuốc để bó gãy xương và bong gân. Gạo nếp còn được dùng để chữa rối loạn bài tiết mồ hôi, tiểu đường, rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, chứng buồn nôn ở phụ nữ có thai...

Xin giới thiệu một số bài thuốc đã được ghi nhận công dụng trong điều trị bệnh để bạn đọc tuỳ điều kiện của mình mà chọn lựa thực hành:

Gạo nếp hấp rượu vang:

Gạo nếp 250g, rượu vang 500ml, trứng gà hai quả. Tất cả cho vào bát to, đem hấp cách thuỷ cho chín, chia ăn vài lần. Dùng để bồi bổ cho người suy nhược cơ thể sau khi bị bệnh nặng.

Gạo nếp mật ong:

Gạo nếp 30g tán ra bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, chế thêm 30g mật ong, chia ăn vài lần trong ngày để dùng cho người miệng khát muốn uống nhiều nước, ăn kém, hay nôn và buồn nôn. Phương thuốc này còn có tác dụng lợi mật, giảm đau, dùng cho các trường hợp có cơn đau quặn gan do giun chui lên đường mật.

Bao tử heo nhồi gạo nếp:

Cho gạo nếp lượng vừa đủ vào bao tử heo, nướng khô, giã ra làm viên hoàn để ăn hàng ngày. Cách khác, cho thêm vào gia vị các loại, buộc kín miệng, đem hấp cách thuỷ cho thật chín rồi chia ăn vài lần.

Cháo gạo nếp hạt sen:

Người bệnh mới khỏi, cơ thể suy nhược, lấy gạo nếp, hạt sen lượng vừa đủ, đem nấu thành cháo. Mỗi ngày ăn sáng và tối.

Gạo nếp tán hoài sơn:

Gạo nếp 500g ngâm nước một đêm, để ráo rồi sao thơm. Hoài sơn 50g, sao vàng. Hai thứ tán thành bột mịn, mỗi sáng dùng 20 – 30g, khuấy đều với nước sôi, thêm chút đường đỏ và hạt tiêu để làm món điểm tâm. Dùng cho những người bị bệnh đường ruột, đại tiện lỏng nát kéo dài, chán ăn, mệt mỏi.

Cháo gạo nếp táo tàu:

Gạo nếp lượng vừa đủ, cho thêm táo tàu đun thành cháo loãng mà ăn. Ngày ăn từ 1 – 2 lần, giúp trị viêm dạ dày mãn tính và loét dạ dày.

Gạo nếp sắc với gừng:

Gạo nếp 20g, sao vàng; gừng tươi ba lát giã nhỏ. Đem hai thứ sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày để chữa nôn mửa không dứt. Cách khác, gạo nếp, mạch môn, đẳng sâm mỗi thứ 12g, bán hạ 6g, cam thảo 4g, nấu nước uống.

Cháo gạo nếp đậu đen:

Gạo nếp 100g, đậu đen 30g, hồng táo 30g, đun thành cháo. Mỗi ngày ăn từ 1 – 2 lần, trị thiếu máu do thiếu sắt.

Gạo nếp trộn hoàng liên, dầu vừng:

Gạo nếp 100g, nấu thành cơm nếp rồi đốt thành than. Sau đó trộn đều với bột hoàng liên (30g) và dầu vừng, bôi chữa chứng chốc đầu ở trẻ em.

Cháo gạo nếp đậu xanh:

Gạo nếp 100g, đậu xanh 50g, nấu cháo ăn để hỗ trợ điều trị chứng tiêu khát của bệnh đái tháo đường. Cách khác, hoa gạo nếp (lúa nếp rang cho nổ trắng ra, bỏ vỏ), vỏ lụa cây dâu (vỏ trắng) mỗi thứ 100g, sắc uống.

Cháo gạo nếp nấu suông:

Còn gọi là cháo hoa (lấy gạo nếp, cho thêm nước vào nấu chín) có tác dụng làm mát ruột cho những trường hợp nặng bụng. Nếu nấu nhừ với chân giò hoặc móng giò heo, lõi thông thảo, đu đủ non và lá sung sẽ giúp làm tăng tiết sữa.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Khởi động ngày mới với trà trái cây tươi



Ly trà nóng hổi lại có vị trái cây tươi sẽ đem lại cho bạn sự tỉnh táo và cảm giác sảng khoái cho một tuần làm việc hiệu quả.
Nguyên liệu:

Táo nửa quả

Lê nửa quả

Đào 1 quả

Cam nửa quả

Chanh 1 quả

Trà đen

Mật ong

Cách làm:

Tất cả các loại trái cây rửa sạch, lột vỏ, cắt thành miếng nhỏ. 

Chanh rửa sạch, thái lát ngang. 


Cho hết trái cây vào ấm trà hoặc bình thủy tinh, đặt túi trà vào. 



Đun nước thật sôi rồi rót vào bình trà. Đậy nắp từ 5 – 10 phút cho trà ngấm. 




Sau đó rót ra cốc, cho mật ong rồi thưởng thức. Độ ngọt tùy thuộc khẩu vị của bạn mà cho ít hay nhiều mật ong. 



Mách nhỏ:

Bạn có thể chọn nhiều loại trái cây tươi khác nhau tùy theo sở thích, thường là các loại quả ngọt và nhiều nước. Riêng với chanh bạn có thể điều chỉnh tăng giảm để tạo độ chua và hương thơm.

Trà đen có thể là Lipton hoặc bất cứ loại trà nào mà bạn ưa dùng.

Chỉ nên cho mật ong trước khi dùng trà, tốt nhất là rót trà ra tách rồi cho mật ong vào, vừa hợp khẩu vị ngọt - nhạt lại không làm giảm giá trị dinh dưỡng của mật ong.

Các loại hoa quả tươi sẽ góp thêm vị mới lạ và làm cho ly trà hấp dẫn hơn.

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009

Bánh cam (bánh rán)


Ăn bánh cam nóng dòn vừa để ráo dầu thật hấp dẫn. Sau lớp vỏ vàng rộm thơm hương mè, bạn sẽ được thưởng thức lớp nếp dẻo và lớp nhân đậu xanh mịn và ngọt. Sao cuối tuần này bạn không trổ tài làm bánh rán để cả nhà cùng chia vui?
Nguyên liệu:

400 g bột nếp
100 g bột gạo
2 thìa bột nở (baking powder)
200 g đường
400 g nước
75 g khoai tây (tùy ý)
1 thìa dầu ăn
Mè trắng

Cách làm:

Phần bột:

Nếu bạn có dùng khoai tây, gọt vỏ khoai, hấp và nghiền bột.

Chung tất cả các loại bột thật đều (trừ bột khoai tây).

Đun nước sôi, cho đường vào khuấy cho tan rồi trút vào hỗn hợp bột. Dùng đũa đảo cho bột thấm ướt nước sôi hoàn toàn. Lúc này bột rất dính. Để nguội bớt, đủ để bạn cho tay vào nhồi. Trộn bột với khoai tây và dầu ăn cho bột đỡ dính.

Nhân:

100 g đậu xanh tách đôi, không vỏ
100 g đường trắng
50 g dừa nạo (tùy thích)
2 muỗng dầu

Hấp chín đậu xanh, giã nhuyễn. Trộn đậu với dầu ăn và đường. Xào khô trên chảo một lần nữa rồi trộn cùng dừa nạo. Để nguội, viên thành 20 phần.

Làm bánh:

Thấm ướt tay, lấy 1 ít bột, cán mỏng, cho 1 ít nhân đậu vào giữa rồi gói bột lại. Lăn bánh trên mè. Tiếp tục làm cho hết số nhân bánh.

Chiên bánh ngập trong dầu sôi. Để lửa vừa. Khi vỏ bánh ngả màu vàng ươm và nổi lên trên mặt chảo là bánh chín.

Vớt ra để trên giấy xốp cho thấm dầu. Ăn nóng.

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Khoai lang nướng vừng ăn chơi




Khoai lang nướng thơm phức rắc vài hạt vừng rang lên trên sẽ là món ăn chơi thú vị khi bạn xem Tivi hoặc đọc sách.

Nguyên liệu:

* 3 củ khoai lang to
* 1 thìa dầu ăn
* ½ thìa muối
* 2 thìa hạt vừng rang
* 2 thìa xì dầu
* Tương ớt


Cách làm:

Khoai lang rửa sạch, gọt vỏ và cắt thành những miếng dài theo chiều dọc củ khoai.

Cho ½ thìa muối và 1 thìa dầu ăn vào một cái âu rồi cho khoai lang vào trộn đều.

Xếp khoai lên khay nướng, chỉ xếp 1 lớp không để các miếng khoai chồng lên nhau

Bật lò lên 200 độ C và nướng khoai trong 20 – 25 phút, đến khi khoai mềm và bên ngoài vàng nâu là được.

Khi khoai lang chín và vừa bỏ ra khỏi lò bạn rắc ngay 2 thìa vừng rang lên trên.


Cho khoai ra đĩa, chấm với xì dầu hoặc tương ớt rất ngon.

Những miếng khoai thơm phức, chín mềm bên trong bên ngoài lại giòn

Xếp khoai vào các chén nhỏ, ăn sau bữa cơm như món tráng miệng hoặc ăn chơi lúc xem TV