Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Cháo thuốc đuổi bệnh



Cho thêm một số dược liệu vào cháo không những tạo ra món ăn mới mà còn cải thiện hiệu quả một số bệnh: cao huyết áp, xơ vữa động mạch, tóc bạc sớm, ăn không tiêu…
Cháo dùng để chữa bệnh, hay còn gọi là cháo thuốc, dựa trên nguyên tắc lý luận biện chứng của y học cổ truyền. Tuỳ người, tuỳ chứng bệnh mà chọn các loại dược liệu tương ứng để nấu cháo. Bản chất cháo là món ăn dễ hấp thu, dễ tiêu hoá nên đưa thuốc vào người bằng cách ăn cháo là cách dễ làm, an toàn mà hiệu quả. Tuỳ bệnh tình mà người bệnh có thể chọn các loại dược liệu phù hợp để nấu cháo:

Cháo vừng đen: vừng đen rửa sạch, phơi khô, sao chín, tán bột. Mỗi lần lấy 30g nấu cùng 100g gạo tẻ. Phù hợp với những người suy nhược, tóc bạc sớm, thiếu máu, hay hoa mắt chóng mặt…

Cháo nhân sâm: nhân sâm tán bột lấy khoảng 3g, gạo tẻ 100g, đường phèn, nước vừa đủ, cho vào nồi đun nhỏ lửa tới khi cháo nhừ. Cháo có tác dụng bổ ngũ tạng, khí huyết, kéo dài tuổi thọ. Phù hợp với người ăn không tiêu, tiêu lỏng mãn tính, hay hoảng hốt, mất ngủ, trí nhớ giảm, hay quên…

Cháo đậu xanh: đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g. Đậu xanh để cả vỏ cho vào nồi cùng gạo tẻ, ninh thành cháo. Công dụng giải độc, sinh tân dịch và tiêu thũng. Thích hợp cho người bị mụn nhọt, béo phì và rối loạn lipid máu.

Cháo hà thủ ô: lấy chừng 30 — 60g hà thủ ô sắc ra nước đặc, bỏ bã; thêm 100g gạo tẻ, đại táo vài quả, đường phèn vừa đủ, nấu thành cháo. Có tác dụng ích thận, chống lão hoá, bổ huyết. Phù hợp cho người thận suy, váng đầu, ù tai, suy nhược thần kinh, râu tóc bạc sớm. Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị cao huyết áp, xơ hoá động mạch.

Cháo đậu tương: đậu tương tươi, gạo tẻ mỗi thứ 100g; đường phèn vừa đủ, đem tất cả nấu thành cháo. Dùng tốt đối với người cao tuổi, suy nhược, dinh dưỡng kém hoặc mắc bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh mạch vành…

Cháo ngó sen: ngó sen tươi 400g, hồng đào 100g, gạo tẻ 300g, đường trắng 250g, nước vừa đủ. Ngó sen rửa sạch thái miếng, hồng đào rửa sạch, gạo vo sạch. Cho tất cả vào nồi, đổ vừa nước, nấu nhừ thành cháo. Cho tiếp đường vào đánh tan đến khi cháo sánh. Tác dụng mát máu, điều hoá chức năng dạ dày, giải độc, giải nhiệt.

Cháo cúc hoa: lấy 100g gạo tẻ nấu thành cháo, thêm 10 — 15g cúc hoa (bỏ đế hoa, đã tán bột), đun sôi thêm một chút. Tác dụng tán phong nhiệt, thanh can hoả, giảm huyết áp. Phù hợp với những người mắc bệnh mạch vành, cao huyết áp, hay có các chứng hoa mắt chóng mặt…

Cháo dâu tằm: quả dâu tằm chín 30g, nếu còn tươi 60g; gạo tẻ 60g, đường phèn lượng vừa đủ. Cho vào nồi nấu thành cháo. Cháo có tác dụng bổ can dưỡng huyết, sáng mắt, ích trí. Phù hợp trường hợp thận hư, đau đầu hoa mắt, mất ngủ, ù tai, mỏi lưng, râu tóc bạc sớm…

Cháo lá sen: lấy hai lá sen tươi rửa sạch, sắc kỹ lấy nước, vớt lá bỏ đi, thêm 100g gạo tẻ vào nấu cháo. Cháo có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, hạ huyết áp, giảm mỡ máu. Phù hợp với những người huyết áp cao, mỡ máu cao, béo phì…

Cháo sơn tra: sơn tra khô 30g, nếu tươi 60g; gạo tẻ 100g, đường phèn 10g. Sơn tra đun lấy nước, bỏ bã, thêm gạo vào nấu chín, rồi thêm đường đun sôi. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh sơn tra có tác dụng tốt với mạch máu, đặc biệt mạch vành. Vì vậy người có bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao, có bệnh tim mạch xơ hoá động mạch, người cao tuổi suy giảm trí nhớ thường xuyên ăn cháo sơn tra có tác dụng rất tốt.

Không dùng nồi nhôm, sắt nấu cháo thuốc

Tốt nhất là dùng nồi đất nung nấu cháo thuốc. Cũng có thể dùng đồ tráng men thay thế. Không nên sử dụng nồi bằng nhôm hay sắt để nấu vì sẽ xảy ra một số phản ứng hoá học giữa nồi và một số vị thuốc trong quá trình chế biến. Cháo thuốc cần có độ đặc sền sệt, đặc quá sẽ khó ăn, loãng quá lại ảnh hưởng tới hiệu quả. Thông thường cứ 50g gạo cho 400ml nước là vừa. Khi sử dụng cháo thuốc để bồi bổ cơ thể phải tuỳ theo thể chất, bệnh tình, thời tiết, địa lý... Sau khi ăn cháo xong không nên đi ngủ, uống rượu hay uống nước trà ngay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét