Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Bánh tết của người Thái Bình


Miền đất lúa Thái Bình cũng là quê hương của bao đặc sản nông nghiệp trứ danh, trong đó có món bánh cáy - một món quà biếu tết đầy ý nghĩa.
Bánh cáy Thái Bình - Ảnh: P.Thanh

Tết đến xuân về, người Việt ta có tục lệ biếu tặng sản vật quê hương như muốn bày tỏ tình cảm chân thành, cũng như thể hiện niềm tự hào về mảnh đất đã sinh ra và lớn lên. Nếu người Hà Nội tự hào với bánh cốm Hàng Than, Hải Dương có bánh đậu xanh, người Thanh Hóa là nem chua… thì với người con miền đất lúa Thái Bình đó là một loại bánh được làm hoàn toàn từ sản vật nông nghiệp: bánh cáy.
Nhiều người thắc mắc với cái tên "bánh cáy", và câu trả lời thực đơn giản, bởi cái hồn của loại bánh này được làm từ trứng con cáy.
Ngày tết, trong mỗi gia đình truyền thống Thái Bình vẫn có đĩa bánh cáy trên bàn để mời họ hàng, khách đến chơi. Trong cái rét lạnh mưa phùn ngày tết cổ truyền, được thưởng thức miếng bánh cáy uống kém nước chè thấy người ấm hẳn lên, mùi thơm từ gừng, lạc cứ phảng phất mãi.
Con cáy xưa nay vốn là đặc sản của nhiều vùng quê, là món ăn quen thuộc trên mâm cơm của nhiều vùng nông thôn và do thế, nó cũng trở thành kỷ niệm tuổi thơ của không ít người. Cáy có nhiều loại: Cáy mai to trông như màu đất phù sa gọi là cáy lấm (chỉ dùng nấu canh); loại chạy rất nhanh gọi là cáy gió (làm bánh cáy, mắm cáy). Cáy căm căm thân nhỏ, chân có chấm màu đỏ thì để rang muối…
Nếu bạn đã từng nghe câu ví von truyền thống “nhát như cáy ngày” (hễ có động là chúng chạy nhanh chui xuống hang), thì đó là loại cáy gió.
Người dân vùng duyên hải hơn ai hết hiểu rất rõ đặc điểm sinh trưởng của loài cáy gió. Cuối xuân sang hè là lúc cáy bắt đầu mang trứng, những đêm trăng sáng mùa thu là lúc dễ dàng bắt được cáy trưởng thành nhất, lúc đó cáy thường kéo nhau đi hàng bầy, chỉ dùng lưới giăng là dễ dàng bắt được… Người dân ven biển vì thế có nhiều món ăn ngon nổi tiếng như mắm cáy Bình Lục (Hà Nam), cáy rang và tất nhiên không thể không nhắc đến món bánh cáy Thái Bình.
Nếu để lấy trứng, sau khi bắt cáy về, người ta đem luộc cáy lấy phần trứng đem sấy khô. Trứng cáy khi ấy có màu vàng cam, mùi thơm gợi sự béo bùi. Những đặc tính này vẫn giữ nguyên và tạo nên màu sắc cũng như hương vị đặc trưng cho món bánh cáy.
Bánh cáy được coi là món ăn thuần chất của “quê hương năm tấn” do thành phần chính "thuần nông" với gạo nếp, đường, vừng, củ gừng, bỏng cốm và trứng cáy.
Cũng chính những nguyên liệu ấy đem đến cho bánh cáy một hương vị rất lạ, kết hợp vị ngọt thanh từ đường mía, vị cay nhẹ của hương gừng, sự béo bùi của trứng cáy, vừng, lạc, vị giòn tan hay deo dẻo của gạo nếp rang và cốm non…
Dường như bánh cáy là món ăn tổng hòa các đặc sản nông nghiệp Thái Bình, để tạo nên một hương vị đặc trưng - thứ mà người ta vẫn gọi là “những mùi vị của thênh thang đồng ruộng”. Đó có phải là lý do mà mỗi khi đi xa hay dịp tết đến xuân về, người Thái Bình vẫn đem bánh cáy biếu tặng như một cách giới thiệu về quê hương, về hình ảnh vùng quê chiêm trũng của mình?
Nếu một lần về Thái Bình, được thưởng thức món đặc sản bánh cáy chính hiệu, tôi tin bạn sẽ thấy yêu mảnh đất này dù chưa một lần đặt chân đến. Và có thể bạn sẽ tự nhủ giống như lời bài hát với câu hát trong bài Nắng ấm quê hương của nhạc sĩ Vĩnh An: “Cho em về quê mình, cùng làm lúa, cùng làm đay, cùng dệt cói, cùng đan mây/ Miền quê đó Thái Bình”…

(Phan Thanh - tuoitre.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét