Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Nhớ mùa nhót chín cuối xuân


Cái vị chua chua, ngòn ngọt, lẫn vị chát của những quả nhót hình thon thon ấy từ lâu đã đi vào miền thương nhớ từ thuở nhỏ với bất cứ ai, đặc biệt là các cô, các cậu học trò nghèo.
“ Xum xuê chùm quả chín chen  Kẽ răng ứa nước bỗng thèm vị chua  Yêu sao cây nhót đến mùa  Chín như nỗi nhớ tuổi thơ học trò”
Những trái nhót xanh bắt đầu chuyển màu trong nắng - Ảnh P. Thảo
Phải nói rằng nhót là loài cây có sức dẻo dai, kiên trì và chịu đựng. Thân và cành tuy mảnh dẻ là thế nhưng dẫu mùa đông lạnh giá, sương muối hay oằn mình trong cơn bão, sấm sét trút xuống vẫn không hề rụng lá, trơ cành, vẫn bám trụ và chờ cuối xuân nắng ấm lại nở hoa. Những chùm hoa nhót nhỏ xinh, cánh trắng mịn như lụa, chỉ đến khi héo, rụng hết cánh thì những quả nhót nhỏ xíu mới chịu nhú ra.
Nhót xuất hiện phổ biến ở miền Bắc và miền Trung, thường được trồng ở trong vườn, sân nhà hoặc nơi gần bờ tường. Nhót có hai loại cây cho quả khác nhau: một loại cho quả tròn ngọt hơn, một loại cho quả dài, chua hơn. Thông thường người ta chỉ trồng nhót để lấy quả chín hoặc nấu canh chua, nhưng trên thực tế lá nhót còn được các thầy lang ở nước ta dùng để chữa ho, cảm sốt hay bị ong đốt.
Hằng năm, nhót cho quả vào độ tháng giêng, rồi chỉ hai tuần sau đó nhót chín hồng dần lên, những chùm quả xanh nhạt chuyển sang màu vàng tươi, đến khi đỏ rực một loạt trông như hàng trăm ngọn đèn điện thon thon, nhỏ xíu dưới tán lá xanh thắp sáng cả giàn nhót. Mẹ tôi không quên hái những chùm nhót chín đẹp nhất bày lên đĩa thắp hương, dâng lên ông bà tổ tiên những trái ngon đầu mùa.
Những năm xưa, với lũ trẻ nghèo chúng tôi, khi mà cái bánh, cái kẹo vẫn là một thứ quà xa xỉ thì cái vị chua chua, ngòn ngọt của những trái nhót bỗng trở thành món khoái khẩu. Vào mùa nhót chín, những buổi cắp sách tới trường, tôi không quên mang theo đầy trong túi áo những quả nhót chia cho các bạn gái cùng lớp.
Mân mê xát nhẹ những quả nhót vào tay áo cho những mảng vảy trắng nhỏ li ti bám ở quanh quả bong ra và cắn chấm với muối. Đứa nào đứa nấy đều xuýt xoa, thích thú và chúng tôi coi đó như một bữa tiệc linh đình của người lớn.
Thứ quả thân thương, gắn bó với các cô cậu học trò nghèo - Ảnh P. Thảo

Bây giờ đã lớn, nhưng tôi vẫn nhớ như in cảm giác đó.
Nhớ cái màu hồng như nắng sớm của những trái nhót xuất hiện trên những gánh hàng rong, xe đạp bán rong, dọc các con phố. Những quả nhót căng mọng bắt mắt, đầy sức hấp dẫn, các cô, các cậu học trò thấy cứ reo lên và sà đến, xúm lại, khiến người bán nhót cũng không cần phải rao mà vẫn đắt hàng.
Nhớ những tháng ngày gian khó xưa kia, mỗi lần đi làm đồng về muộn không kịp chuẩn bị mà cũng chỉ với năm, ba quả nhót còn xanh mẹ cũng khéo léo nấu được bát canh chua ngon lành cho cả nhà.
Và cứ thế cái vị chua dịu đặc trưng ấy mãi đọng lại trong hoài niệm của tôi. Và cũng lại thêm một lần nữa tôi thèm được chạm vào, thèm được nhấm nháp cái vị chua chua, ngòn ngọt, chát đắng trên đầu lưỡi ấy.

(Phạm Thị Thảo - tuoitre.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét