Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Làm khô bò nhâm nhi ngày Tết

Tết này nhà mình không mua khô bò mà tự làm, vừa ngon vừa an tâm vì không có chất bảo quản lại rất chất lượng. Cách làm rất dễ không cần lò nướng hay lò sấy gì cả.

 
Nguyên liệu:
800g thịt bò (lựa loại có sớ thịt dài không cần mua thịt loại đắt tiền đâu)
Gia vị 1 (ướp ban đầu ): 2 muỗng canh bột ngũ vị hương
1 muỗng cà phê muối
1 muỗng canh bột nêm bò (hay 1 viên nấu súp vị bò )
1 muỗng cà phê ớt bột (hay thay bằng ớt tươi bằm )
1 muỗng canh đường
1 muỗng canh bột cà ry hay thay bằng bột nghệ cũng được
Gia vị 2 (ướp lúc sau ): 1 muỗng  canh  đường, 1 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng canh ớt bằm, 1 muỗng canh nước mắm ngon.
Cách làm :
 
 
Bước 1: Thịt bò nếu mua nguyên miếng thì cắt từng lát mỏng theo chiều dài của sớ thịt ướp với phần gia vị 1 trộn đều và đậy lại cất vào tủ lạnh ướp cho thấm khoảng vài giờ.  
 
Bước 2: Kiểm tra thịt đã thấm gia vị, các bạn thấy thịt tiết ra chút nước. Thêm chút xíu nước và bắc lên bếp đậy nắp nấu khoảng 5 đến 10 phút thấy thịt săn lại và chín (không mềm). Tắt bếp và vớt thịt ra rổ cho ráo. Nếu các bạn không có thời gian làm ngay thì cất vào tủ lạnh vài giờ hay qua đêm thịt tự động khô ráo.
 
 
Bước 3: Mang thịt ra dùng chảy giã mềm. Cho vào nồi và ướp cùng gia vị 2 trộn đều.
 
Bước 4: Cho lên bếp lửa nhỏ dùng đũa trộn đều nêm nếm thử xem vừa ăn chưa nếu chưa thì thêm tùy khẩu vị. Xào thịt khoảng 5 phút thấy đáy nồi chuyển màu nâu thì tắt bếp. Cho thịt ra rổ hay khay (hay vật dụng dùng để phơi ).
 
 
Bước 5: Dàn đều thịt và phơi nắng khoảng 1 ngày thịt sẽ khô ráo. Các bạn nhớ đậy tránh con côn trùng bò vào. Thịt khô sẽ chuyển sang màu vàng  nâu khi thấy khô vừa ý thì mang vào cất vào lọ kín hay túi. Cất vào tủ lạnh dùng dần.
 
Mình đã làm nhiều lần và cách này mình thấy dễ và ngon lại không cần dùng lò nướng, thích hợp cho nhiều gia đình. Phần ướp các bạn tùy thêm hay bớt sao cho vừa khẩu vị gia đình nhé.
 
Chúc các bạn thành công !

Ăn Tết miền Trung với: Giò heo hon

Ở miền Bắc, thường có thịt nấu đông, ở miền Nam có thịt kho tàu, còn ở miền Trung, chúng ta gặp những món hơi cầu kỳ như thịt bò thưng, đặc biệt là: Giò heo hon với xôi trắng.

 
Nguyên liệu
- 1 kg giò heo, cạo rửa sạch bằng nước muối, chặt khoanh tròn vừa ăn.
- 4 tép sả, rửa sạch, cắt khúc ngắn khoảng 3cm, đập dập
- 100g đậu phộng, ngâm nước, lột sạch vỏ lụa, luộc chín
- 50g nấm mèo, ngâm xả sạch, tai lớn cắt làm đôi
- 50g mè trắng, rang vàng
- 1 củ nghệ tươi, gọt vỏ rửa sạch, giã nhuyễn, vắt nước cốt
- 2 trái ớt chín, rửa sạch, xẻ dọc làm đôi, bỏ hạt
- 3 muỗng canh dầu ăn
- 1 muỗng cà phê hành băm
- 1 muỗng cà phê tỏi băm
- Một ít ngò rí,  bỏ gốc, rửa sạch

Thực hiện:
 
- Đun nóng dầu, cho giò heo vào chảo chiên áp chảo vừa vàng mơ (có thể nướng vàng mơ nguyên chân giò sau đó chặt từng miếng), vớt ráo dầu.
- Ướp giò heo vừa chiên với hạt nêm từ thịt, tiêu, củ hành băm, đường, một chút nước tương, để khoảng 30 phút cho thấm gia vị.
 
 
- Cho dầu ăn vào nồi, đun nóng, cho sả và tỏi vào phi thơm. Tiếp tục, cho giò heo đã ướp, nước cốt nghệ vào trộn đều, cho nước sôi vào ngập mặt thịt, hớt bọt thường xuyên, đun với lửa liu riu, cho đậu phộng vào nấu chung.
 
Khi giò sắp mềm, cho nấm mèo, ớt chín vào, nấu sôi lại, nêm lại gia vị vừa ăn.
 

Những loại mứt có lợi cho sức khỏe

Các loại chế biến thành mứt phần lớn là các vị thuốc.

Mứt là món ăn không thể thiếu trong ba ngày tết. Trước đây chỉ có chừng chục loại nhưng ngày nay mứt tết rất phong phú, từ các loại rau, củ như khoai lang, bí đao, gừng... đến các loại quả như đào, lê, mận, táo, dâu, kiwi...
 
Mứt có lợi cho sức khỏe
Các loại chế biến thành mứt phần lớn là các vị thuốc.
1. Mứt gừng: tác dụng làm ấm tì vị, chống nôn, giải độc, chữa ho.
2. Mứt tắc: giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, chống nôn, giải độc rượu.
3. Mứt sen: an thần, giảm stress, chống suy nhược.
4. Mứt hồng: chống suy nhược, chữa ho, tiểu đêm.
5. Mứt khoai lang: nhuận trường, chống táo bón.
6. Mứt dừa: nhuận trường.
7. Mứt me: giải khát, kích thích tiêu hóa, nhuận trường.
8. Mứt cà chua, cà rốt: giúp sáng mắt, ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
 
Đây là các thực phẩm dinh dưỡng vì chứa nhiều thành phần hoạt chất tốt cho cơ thể như đường, bột, đạm, axit hữu cơ, vitamin và khoáng tố. Đặc biệt hơn là các nhóm chất hữu cơ có tác dụng chống oxy hóa tế bào, tăng cường thải độc cho cơ thể.
 
Tuy nhiên mứt tết không ngon và không có lợi khi:
- Quá ngọt, không thích hợp cho người tiểu đường, béo phì.
- Một số loại mứt chứa nhiều loại beta carotene hoặc vitamin A, C như mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi... sẽ bị phân hủy do nhiệt độ và thời gian đun nấu quá lâu làm mất tác dụng của các nhóm vitamin.
- Do đường nhiều nên mứt tạo ra năng lượng là chính, không cung cấp đủ thành phần dưỡng chất cho cơ thể so với lúc còn tươi, vì vậy không tốt khi dùng cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai trong suốt thai kỳ.
 
- Ăn nhiều mứt dễ sinh đầy bụng và làm mất cảm giác đói, do đó hạn chế sự hấp thu trong hai bữa ăn chính.
- Một số cơ sở sản xuất không hợp vệ sinh có thể gây nhiễm khuẩn, làm phát sinh một số bệnh đường tiêu hóa.
- Quá trình bảo quản không đạt tiêu chuẩn dễ sinh nấm mốc.
- Một số loại rau củ quả có tác dụng thanh nhiệt làm mát nhưng sau khi chế biến thành mứt sẽ có tác dụng ngược lại, gây nội nhiệt hoặc phát sinh mụn nhọt do chất ngọt quá cao.
Tốt nhất không nên ăn quá nhiều mứt. Nên ăn thêm các loại trái cây tươi trong những ngày tết như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu...; các loại hạt ngũ cốc hoặc hoa như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều...

Tự làm mứt khoai môn

Bạn hãy vào bếp tự tay làm một ít mứt khoai môn cho Tết này nhé, mọi người sẽ rất thích thú với những miếng mứt homemade thơm ngon, đảm bảo.

 
Nguyên liệu:
Khoai môn 1 củ khoảng 350g
100g đường
Dầu ăn
Cách làm:


Khoai môn gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng vuông hoặc thái con chì.
 
 
Đun nóng dầu ăn trong chảo, thấy dầu sôi thì cho khoai vào rán.
 
 
Để lửa trung bình rán khoai vừa chín tới, tránh bị vàng xém mặt sẽ không đẹp. Vớt khoai ra.
 
 
Lấy 1 cái chảo khác cho đường,  nước lã vào hòa tan. Đặt lên  bếp đun sôi.
Cho khoai trở lại chảo, để lửa nhỏ, đảo nhẹ nhàng cho đường bao đều quanh từng miếng khoai.
 
 
Bạn chú ý không để lửa to, đường sẽ cháy thành caramel đấy. Đảo đều liên tục đến khi đường keo dần lại, khô khô bám như tuyết quanh miếng khoai.
 
 
Lấy mứt khoai ra để nguội. Nhâm  nhi mứt khoai với trà nóng rất ngon
 

Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Món ăn ngày Tết


Từ một sự tích thiêng liêng trong lịch sử của dân tộc, về chàng Liêu, con thứ 18 của vua Hùng, ngày dâng lễ vật cho cha đã chọn thứ bánh làm từ nếp dẻo, đậu xanh và thịt lợn, gói vuông vức tượng trưng cho đất mẹ, để tỏ lòng biết ơn đối với ông bà tổ tiên. Rồi từ đó, bánh chưng đã được xem là món ăn không thể thiếu vào ngày Tết.
Bánh chưng và bánh tét

Ở miền Nam còn có bánh tét, nguyên liệu cơ bản không thay đổi, nhưng dùng lá chuối để gói và có hình trụ. Người miền Bắc thường ăn bánh chưng với dưa hành muối, hòa quyện vị ngọt bùi béo ngậy của bánh với vị thơm hăng của hành. Từ Huế đến Sài Gòn, món ăn kèm lại đa dạng hơn, có thêm củ kiệu, dưa góp, dưa món,... hoặc vài lát dưa leo. (ảnh: VietNamNet)


Món ngon các miền


Người miền Bắc không thiếu được món thịt đông trong nhà ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm, lại rất phù hợp với khí hậu mùa này.


Món ăn khoái khẩu của người miền Trung là măng khô kho cuốn bánh tráng nhưng phải là măng giữa độ tháng Tám đến tháng Mười. Khi chế biến người ta phải qua nhiều lần sơ chế, luộc đi luộc lại để chắt hết nước dão và làm mềm măng, dùng dao tước nhỏ thành sợi. Kho măng với thịt mỡ hoặc thêm vịt, gà là tùy khẩu vị từng người nhưng phải kho thật lâu từ 1-2 ngày cho gia vị thấm vào măng. Bánh tráng phải chọn loại làm bằng gạo lức Phú Yên, dẻo mà không quá mềm hoặc quá khô, vừa đủ dày và ngọt ăn kèm măng kho.


Người miền Nam giản đơn hơn trong ăn uống nhưng cứ Tết đến lại thêm món thịt kho nước dừa, khổ qua dồn thịt, tàu hũ, mộc nhĩ, nấm hương, dưa chua, chả lụa... Các món đều có thể để dành được vài ngày, vừa để ăn vừa để đãi khách, không mất công nấu nướng nhiều, dành thời gian đi thăm viếng người thân, bạn bè hoặc du lịch, vui chơi.


Bánh mứt


Người Việt có phong tục cứ đến Tết thì nhà nào cũng có món mứt trong nhà: từ mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai,... cho đến các loại mứt dẻo như mãng cầu, tắc, me, thơm... Nhiều người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam ngạc nhiên khi thấy hầu hết trái cây, củ, quả gì người dân mình cũng có thể chế biến thành mứt.


Ngày Tết, bên nhành đào hoặc nhành mai nở thắm, mỗi nhà đều có một khay mứt kèm một đĩa hạt dưa đỏ để khách khứa đến nhâm nhi bên tách trà lài, trà sen thơm ngát. Trước đây, mỗi nhà thường tự làm mứt nhưng cùng với sự phát triển của thị trường, hàng trăm thứ mứt ngon và đẹp mắt được bày bán sẵn rất tiện cho người tiêu dùng. Mứt đóng hộp có thể dùng làm quà biếu bạn bè, người thân để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày Tết.


Trái cây 


Trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết không thể thiếu trái cây. Trái cây đơm trên bàn thờ phải tươi nguyên, còn cả cuống lá xanh để có thể trưng đến ra giêng mà không hư. Mỗi người có cách trưng trái cây trên bàn thờ khác nhau. Đơn giản có thể chọn nải chuối khéo chưng lên cao đan xen nhau cùng với dưa hấu, thơm, bưởi...; cầu kỳ hơn trưng bày trái cây trên bàn thờ theo nghĩa long, lân, quy, phụng khá công phu. Lại còn có cách trưng bày trái cây theo nghĩa "chơi chữ": cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài). Tất cả hướng đến mong muốn cầu chúc mọi người trong gia đình dòng họ được sung túc, đầy đủ, trọn vẹn trong suốt năm.

Những món Tết nên ăn để lấy may

Theo người Trung Quốc, mỗi món ăn vào ngày Tết đều có một ý nghĩa tượng trưng nhằm đem lại may mắn, thịnh vượng cho năm sắp đến. Muốn sống lâu: hãy ăn mỳ, nhớ đừng cắt nhỏ nó ra.

Bạn muốn có nhiều tiền trong ngân hàng hơn? Hãy ăn cá vì theo cách phát âm của Trung Quốc, từ cá tương đương với dư thừa.
 
Và đừng quên bánh bao, vốn là biểu tượng của thịnh vượng. Theo truyền thống, người Trung Quốc sẽ ăn bánh bao vào đêm Giao thừa.
Với Patricia Tanumihardja, người lớn lên ở Singapore nhưng lại có tổ tiên là người Trung Quốc và Indonesia, Tết có nghĩa là phải ăn bánh tạc dứa. "Năm nào cũng như năm nào, đó là món duy nhất mà tôi muốn ăn", tác giả cuốn "Sách dạy nấu ăn của những người bà châu Á", cho hay.
Tết cũng là thời điểm các thực phẩm đắt tiền như tôm, bào ngư và cá được sử dụng nhiều vì nó có nghĩa no đủ. Món ăn gồm nguyên một con gia cầm cũng là dấu hiệu đoàn tụ gia đình và đôi khi Tanumihardja om nguyên một con vịt cho bữa ăn ngày lễ.
Tại Singapore, nhà hàng thường phục vụ salad cá sống với các thành phần được xếp riêng rẽ trong một cái đĩa hoặc khay lớn. Trước khi ăn, mọi người sẽ đứng lên và tung salad càng cao càng tốt trong khi hô vang những cụm từ may mắn như "năm nào cũng thịnh vượng".

Tút lại hộp gỗ theo đúng xì - tai đón tết

Ứng dụng cái này làm hộp đựng mứt kẹo cũng được đấy!



Các bạn cần những nguyên liệu sau:
- Hộp gỗ
- Sơn gỗ đỏ
- Lót cốc đĩa bằng giấy
- Keo sữa
- Giấy ráp, giấy nến (hoặc ni lông)


Bước 1:
- Dùng tua vít tháo bản lề hộp ra.
- Đựng ốc vít và bản lề vào túi hoặc hộp nhỏ để bạn không bị thất lạc chúng.


Bước 2:
- Đánh nhẵn hộp bằng giấy ráp.


Bước 3:
- Sơn toàn bộ trong ngoài hộp với màu đỏ rồi đợi cho khô nhé!


Bước 4:
- Đặt tấm lót lên giấy nến. Bôi keo lên và dàn đều này.


Bước 5:
- Cầm giấy nến lên (tấm lót đối mặt với hộp), ướm vào vị trí trung tâm rồi đặt xuống.


Bước 6:
- Từ từ bóc giấy nến ra.
- Chỗ nào ở hình hoa trang trí bị lật lên thì bạn ấn phẳng xuống nhé.


Bước 7:
- Chờ khô qua đêm rồi phủ 1 lớp sơn nữa lên toàn bộ trong và ngoài hộp.


Bước 8:
- Đem bản lề và ốc vít ra bắt lại như cũ.


Màu đỏ kết hợp với họa tiết trang trí đã làm chiếc hộp nổi bật hơn nhiều.

Chúc bạn thành công! Năm mới an khang thịnh vượng!