Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Ngày Tết tăng cường các món rau

Tết sắp đến rồi, mời các bạn tham khảo những kiến thức dinh dưỡng và kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm ngày tết của TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng, trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.
 
Tăng cường các món rau
 
 
 
Vào mấy ngày tết nhà tôi ít khi thiếu nồi thịt kho hột vịt, nồi canh măng, đặc biệt món bì cuốn trữ tủ lạnh để ăn kèm rau. Tôi thường chọn loại bì có màu vàng nhạt, nhai thử có độ dai vừa phải, sợi bì dài vừa.
 
Còn với măng khô, tôi chọn loại măng màu vàng nâu, ngửi có mùi hương đặc trưng. Măng búp vàng đều, không xơ. Trước khi nấu, tôi ngâm măng với nước ấm khoảng một tuần, thay nước hàng ngày. Khi nấu thì luộc sôi măng mười lăm phút, rồi tiếp tục luộc lại vài lần đến khi măng mềm thì mới bắt đầu hầm với thịt, xương.
 
Bên cạnh mâm tiệc đầy đủ chất đạm, béo… tôi cũng hay làm những món rau xào, hoặc bát canh rau thập cẩm. Tôi xen kẽ một dĩa rau cải xào tôm hoặc tô canh rau ngót nấu thịt nạc để cả nhà ăn giải nhiệt, thanh lọc cơ thể. Nếu cả nhà chán ăn các chất có gia vị, tôi sẽ luộc một dĩa bắp cải để có món rau dầm trứng luộc thiệt ngon miệng. Như tôi biết, nếu bổ sung nhiều rau trong bữa ăn thì cơ thể sẽ được tăng cường nhiều chất xơ, giúp đào thải nhiều cholesterol xấu ra ngoài.
Như nhiều chị em khác, mỗi lần xách giỏ ra chợ tôi cũng không biết nên chọn loại rau nào cho ngon, không còn đọng hoá chất, thuốc trừ sâu… Tôi cứ nhớ hồi xưa mẹ dạy mình, hễ thấy lá rau nào có màu xanh tự nhiên, không quá non mướt, thi thoảng có nhiều lá bị rách thì chọn mua. Loại rau nào có màu xanh bất thường, non mướt quá thể, nhìn thấy nghi ngờ thì không mua.
 
Rau mua về, tôi cắt bỏ lá sâu, giập và phần rễ, sau đó rửa sạch cho vào túi nhựa hoặc hộp nhựa an toàn, buộc kín, để vào ngăn mát tủ lạnh. Nhà tôi chỉ dùng rau trữ trong khoảng một, hai ngày, sau đó lại tiếp tục đi chợ. Để rau trong tủ lạnh lâu ngày cũng không tốt đâu.
Nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy giữ giọng bằng nước ép trái cây
Ngày tết nhà tôi thường có hũ mứt gừng. Tôi thích tự làm lấy, chỉ năm nào bận quá thì đặt các cửa hàng. Tôi chọn loại mứt gừng không quá ngọt, miếng mỏng dễ ăn. Mỗi sáng, sau khi điểm tâm bằng miếng bánh chưng, bát canh măng, cả nhà tôi hay quây quần uống chén trà nóng với miếng mứt gừng để lợi tiêu, ấm bụng.
 
Mấy ngày lễ tết, tôi và con trai (ca sĩ Dương Đình Trí) thường phải tham gia triền miên các chương trình diễn phục vụ bà con. Bửu bối giúp thanh giọng và tăng cường sức đề kháng của hai mẹ con tôi chính là những loại nước ép trái cây. Tôi hay làm cho con trai món nước ép cóc, ép lê, hoặc hỗn hợp táo với càrốt. Nước ép nên uống liền sau khi ép xong, bởi để lâu sẽ mất dần vitamin và có thể bị thâm nhập bởi các loại vi khuẩn.
Ba ngày tết trong nhà tôi luôn có rất nhiều loại trái cây tươi. Tôi tự tay mình mua trước tết một, hai ngày. Ví như dưa hấu thì chọn trái còn cuống xanh tươi, phần đáy quả phải một màu xanh nguyên, không ngả vàng dễ gây úng ruột bên trong. Với bưởi, tôi chọn quả cuống còn xanh, da bóng. Đặc biệt, da bưởi mà có nhiều lỗ đốt ong thì quả càng ngon. Vú sữa cũng vậy, tôi chọn quả da căng bóng, cầm thấy nặng tay là được.
Ngày tết, nếu mình biết cách ăn uống, bổ sung nhiều trái cây, rau quả, hạn chế các chất béo, bia rượu thì sau tết không sợ da xấu, bụng béo lên vì tết đâu.
Trao đổi của chuyên gia
Tránh ăn nhiều mứt tết trước bữa chính
Bì là món ăn ngon ngày tết. Nguyên liệu chính tạo nên món bì là da heo, thịt heo nạc và mỡ heo. Thành phần chính của mỡ heo chắc chắn là chất béo no. Không ít người nghĩ da heo vô hại. Thật ra, da heo cũng chứa nhiều chất béo no và hàm lượng cholesterol khá cao. Do đó, nếu ăn món này thường xuyên sẽ làm tăng cholesterol trong máu, dễ dẫn đến xơ vữa thành mạch máu.
Với người trung niên và cao tuổi, ăn nhiều thực phẩm giàu cholesterol dễ có nguy cơ bệnh tim mạch, người đã có bệnh thì tăng nguy cơ tai biến. Để hạn chế hấp thu cholesterol từ món ăn này, cần ăn kèm nhiều rau. Chất xơ từ rau sẽ giúp hạn chế hấp thu chất béo, cholesterol và tăng đào thải ra ngoài.
Đối với mứt tết, chỉ nên sử dụng như một loại gia vị cho cuộc sống, nghĩa là ăn rất ít để hương vị tết thêm ngọt ngào. Dùng nhiều mứt tết rất dễ tăng cân, đường huyết không ổn định và còn dễ nổi mụn. Ăn nhiều mứt sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn ít trong bữa chính nên hay có cảm giác mệt mỏi do cơ thể chỉ nhận năng lượng từ đường mà thiếu các chất đạm, béo, vitamin, khoáng chất.
 
Người đái tháo đường cần tránh ăn mứt, nếu rất thèm thì có thể ăn chút ít nhưng ăn sau bữa chính và phải bớt chất bột đường trong bữa chính (ví dụ: giảm cơm). Người cao tuổi chỉ nên nhâm nhi ít mứt, không ăn thường xuyên. Chọn mua mứt tết của cơ sở sản xuất có uy tín, nơi bán hợp vệ sinh.
 
Chọn mứt làm bằng phương pháp đơn giản, màu sắc tự nhiên. Chỉ nên mua mỗi thứ một ít nhằm tránh ăn phải loại mứt không an toàn với lượng nhiều. Dùng các loại rau củ và hạt sấy khô thay mứt sẽ hạn chế đưa nhiều đường vào cơ thể một cách không cần thiết.
Bữa ăn ngày tết như thịt mỡ, bì cuốn thường giàu đạm và béo, sẽ rất khó tiêu. Các món dưa chua ăn kèm sẽ giúp tiêu hoá thức ăn tốt hơn. Ví dụ như dưa gừng ăn kèm bữa ăn giàu đạm sẽ giúp ấm bụng, dễ tiêu do vị cay và tính ấm. Dùng một ít gừng sau bữa ăn còn giúp khử mùi thức ăn còn trong miệng.
(TS.BS Trần Thị Minh Hạnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét