Một món cơm được ví như hình ảnh của đất nước mặt trời mọc đấy các bạn ạ!
Đã bao giờ bạn thử dùng bữa trưa với một quả mận muối chưa? Mới nghe qua thì có thể sẽ thật khó để ăn được vì món mận muối này rất mặn. Thế nhưng hình ảnh nắm cơm cùng một trái mận muối lại không hề xa lạ trong bữa trưa của người Nhật Bản, thậm chí đây luôn là món ăn được ưa thích trong khẩu phần ăn của người dân Nhật, đặc biệt là những người cao tuổi.
“Nắm cơm mặt trời mọc” từ lâu đã trở thành món ăn truyền thống của người Nhật Bản. Được coi là nắm cơm sinh mệnh, người Nhật vẫn thường nói với nhau rằng họ còn có thể tồn tại chừng nào còn một trái mận muối và một bát cơm. Do đó, mận muối không chỉ là món ăn truyền thống mà còn có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa ẩm thực Nhật Bản.
Ở Nhật, cứ đến tháng 6 hàng năm, những người bán rau quả trên khắp Nhật Bản lại bắt đầu bày bán hàng núi mận xanh rắn và chắc đến mức không thể ăn được. Phần lớn khối lượng mận này được dùng để làm mận muối, những trái mận xanh được rửa sạch và xếp vào một chiếc vại sành, sau đó người ta rắc muối và nén xuống nước trong khoảng hai tuần. Và để tăng thêm màu sắc cùng hương vị cho mận muối, những chiếc lá tía tô sẽ được ngắt bỏ thêm vào vại. Khi mặt ngoài quả mận bắt đầu mềm ra và chuyển sang màu đỏ tươi, người ta vớt mận ra và phơi ngoài trời từ hai đến ba ngày. Khi đã khô, mận được thu vào một chiếc vại khác để ăn dần. Một cách làm khác đó là đem phơi cho héo những quả mận trước khi muối.
Theo một số tài liệu cho thấy rằng, mận muối truyền thống của Nhật Bản phải được làm từ những quả mận đã chín được thu lượm vào khoảng từ đầu tháng sáu đến giữa tháng bảy, lúc những cây mận trĩu trái chín đỏ. Những quả mận này được xếp đầy trong thùng gỗ chứa muối, và phủ một lớp muối dày lên lớp trên cùng, theo thời gian mận xẹp xuống, nước cốt mận sẽ tiết ra làm tan muối tạo thành dấm mận tự nhiên, có vị chua đặc trưng.
Có lẽ do tính địa phương nên việc chế biến món mận muối có nhiều phương pháp khác nhau, do đó mận muối có thể có nhiều loại mềm, giòn, có vị chua gắt và mặn hoặc có màu vàng rộm, hay màu đỏ tùy thuộc vào độ chín của những quả mận khi đem muối.
Ngày nay có nhiều cách làm món mận muối, phần đông người ta ít dùng muối mà thay vào đó sử dụng trực tiếp dấm và chỉ cho một ít muối để có vị mặn tương đương. Đặc biệt, mận muối cũng có một vị trí quan trọng trong thực đơn của những người ăn chay. Mặc dù khi thưởng thức mận muối lần đầu bạn sẽ cảm thấy rất chát, vì vị mặn ngấm sâu vào trái mận, nhưng sau đó, bạn sẽ cảm giác vị chua chát chuyển dần sang vị chua mặn rồi kết thúc ở một vị ngọt rất lạ. Chính nhờ hương vị này mà món mận muối không chỉ phổ biến và được yêu thích ở Nhật Bản mà còn phổ biến tại nhiều nước Châu Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét