Cha soba – 茶そば là 1 loại mì sợi làm từ hạt kiều mạch trộn thêm hương vị của trà xanh. Bình thường, mì soba có màu nâu nâu, còn cha soba có màu xanh xám nhẹ. Soba là một trong những loại mì phổ biến nhất ở Nhật,những loại khác quen thuộc là udon, ramen và somen.Năm 1 ĐH ở VN, khi làm thêm trong nhà hàng Nhật, mình nhìn những bát mì và thấy rất hấp dẫn. Bát mì nào trông cũng sang trọng và thanh tao. Mấy chị cùng làm bảo là mì Nhật ăn nhạt và nước dùng không có vị gì cả làm mình rất thắc mắc, nhưng chẳng bao giờ được một lần nếm thử để biết hương vị ra sao. Chỉ biết là mình nhìn cách sắp mì lên bát thì mình rất thích, thích cái sự đơn giản, nhẹ nhàng mà thanh nhã.
Từ khi sang Sing, thỉnh thoảng mình có ăn mì Nhật ở canteen hoặc ở food court, nhưng nước dùng rất nhạt nhẽo vả chẳng có vị gì đặc biệt cả. Thức ăn cho sinh viên thì ít có khi nào ngon. Còn cách nấu của dân Sing kiểu vừa “hổ lốn” vừa nhạt toẹt úi xùi, các món mì các khu ăn uống bình dân trong các khu mua sắm thì hầu như chỉ là nước sôi đổ vào bát mì, không thể hy vọng một bát mì Nhật ngon và đúng kiểu được.
Đến khi mình bắt đầu đọc sách về các món Nhật, bắt đầu mua các nguyên liệu cần thiết để tạo nên hương vị truyền thống và đặc trưng nhất cho món ăn thì mình bắt đầu nhận thấy những sự khác biệt. Để nấu được món Nhật thật ngon (hay các món ăn của bất kì nước nào cũng vậy), thì cần có đầy đủ những nguyên liệu thiết yếu nhất tạo nên nét đặc biệt của món ăn
đó. Nếu chưa mua đầy đủ các nguyên liệu thì khi đọc công thức các món ăn của Nhật, thường mình sẽ thấy chẳng làm được món nào hết dù món đó có dễ dàng và đơn giản đến đâu đi nữa, vì chỉ cần thiếu đi 1 trong các loại gia vị thì mình không cảm thấy muốn làm rồi.
Muốn làm món Nhật thì trong nhà phải có sẵn mirin, xì dầu Nhật – kikoman chẳng hạn, nori – rong biển, katsuoboshi – cá bào, mayonaise Nhật, wasabi, sake, miso, đặc biệt là dashi (bonito stock) – 1 loại nước dùng cô đặc được sử dụng rất thường xuyên để tạo nên hương vị authentic cho món Nhật. Cầu kì thì phải tự nấu dashi từ rong biển tươi và cá bào, hiện nay có những viên súp dashi dạng cô đặc tạo sự tiện dụng hơn cho người nấu, đặc biệt là với những người không sống ở Nhật. Thú thực, mua các loại nguyên liệu và gia vị của Nhật không phải là rẻ, nhưng hiệu quả sử dụng thì rất cao, và khi nấu ra được một món ngon thì sẽ cảm thấy rất đáng đồng tiền bỏ ra. Ban đầu mình muốn làm món Nhật nhưng rất đắn đo
khi phải “trang bị” hàng đống loại nguyên liệu đắt tiền, nhưng khi mua về rồi thì mình có thể dùng rất nhiều lần, mỗi lần dùng đều không tốn nhiều, và đổi lại, mình nấu được nhiều món ăn của Nhật rất thanh và ngon, ăn vừa bổ vừa có lợi cho sức khỏe. Và mình càng phải gật gù hiểu tại sao người Nhật lại có tuổi thọ cao đến thế, chính từ cách ăn uống những món đơn giản hàng ngày của họ, luôn đảm bảo sự tinh khiết, thanh tịnh và trong sạch.
Qua màn “dông dài” về món Nhật nói chung. Bây giờ lại nói chuyện món mì “trà xanh” này. Nhà mình thích trà xanh nên cứ cái gì có liên quan đến trà là lại thấy rất hứng thú. Nhìn sợi mì có màu xanh xanh mình đã thấy mát ruột rồi, đến khi luộc mì xong, rồi xì xụp bát mì với nước dùng rất tinh khiết, ngọt và thơm, sợi mì luộc chín khi cắn vẫn còn cảm giác daidai rất là thích. Khi ăn các món mì nước của Nhật, hãy cố gắng càng phát ra tiếng xì soạp càng to càng tốt nhé, người Nhật sẽ rất thích tác phong ăn mì đó của bạn đấy
Nguyên liệu: (2 người ăn)
- 200g cha soba (grean tea noodles)
- 750ml nước dùng dashi (dashi có thể được bán ở dạng hạt nhỏ như hạt knorr, hoặc viên súp, hoặc bột dashi đóng vào túi nhỏ. Khi đó tùy theo hướng dẫn sử dụng mà pha ra 750ml nước dashi)
- 1 tbs xì dầu Nhật
- 1 hộp đậu tươi
- 1 lát rong biển khô, thái sợi ngắn, nhỏ
-3 tsp vừng rang
Cách làm:
- Luộc mì theo hướng dẫn trên vỏ gói mì. Thường là 1l nước cho 100g mì,nước có pha ít muối, thời gian luộc khoảng 5-6 phút. Nguyên tắc luộc vẫn là sợi mì luộc vừa chín tới, không cứng, không bị nát, vẫn giữ được độdai khi nhai sợi mì. Mì luộc xong thì xả dưới nước lạnh rồi để ráo nước.
Chia mì ra 2 bát.
- Đun sôi nước dùng dashi rồi cho mỉin và xì dầu vào.
- Đậu tươi cắt thành khối vuông nhỏ, xếp lên trên mì.
- Múc nước dùng vào bát mì, rắc rong biển khô và vừng rang lên trên.
Cách làm rất đơn giản mà bát mì lại thật ngon lành, ăn rất thanh, rất trôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét