Nem thính Ninh Bình giòn giòn thơm phức mùi thính nếp, nem nắm Giao Thủy ngon từ cái nhìn. Riêng nem Bùi (Bắc Ninh) chỉ nghe thôi đã thèm.
1. Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm Giao Thủy (Huyện Giao Thủy, TP Nam Định) nổi tiếng từ thời vua Trần. Tương truyền rằng, khi các vua Trần chọn phủ Thiên Trường làm kinh đô thứ 2, các làng nghề đã được hình thành. Từ đó, của ngon, vật lạ cả nước đổ về đây để dâng vua.
Món nem nắm Giao Thủy cũng được xem là món “đặc sản” dâng vua thời đó. Sở dĩ gọi là nem nắm vì khi chế biến, người dân dùng bàn tay nắm qua nắm lại thật chặt để thính và bì lợn, thịt lợn quyện vào nhau. Cũng có thể, nem được làm đúng bằng kích thước nắm tay nên dân gian gọi là nem nắm.
Nem nắm Giao Thủy ngon có lẽ phần nhiều là do nguyên liệu. Bì lợn làm nem được thái thủ công bằng tay, tuyệt đối không dùng máy thái. Thịt lợn trộn cùng là phần thịt ở đầu và thịt sấn có lẫn chút mỡ. Để món ăn thêm đậm đà, người dân Giao Thủy còn cho thêm tỏi vào. Vị thơm của món nem là do thính gạo tạo nên. Người Giao Thủy đã dùng thứ gạo thơm ngon nhất vùng chiêm trũng để làm thính do đó tạo nên hương vị đặc trưng phân biệt với vùng khác.
Nem nắm Giao Thủy có một “người tình” đi kèm không thể tách rời chính là nước nắm Sa Châu (xã Giao Châu, Huyện Giao Thủy). Thứ nước mắm này cũng rất nổi tiếng. Nó được làm theo cách cổ truyền, cá được ngấu chín tự nhiên, không quả tẩm ướp, sau chừng 6 tháng mới mang ra vắt lấy nước mắm nguyên chất. Sau đó, mắm lại được phơi nắng nóng rồi cho vào vại sành chôn xuống đất thêm 6 tháng nữa.
Chẳng trách khi ăn, nhiều thực khách rất ngỡ ngàng bởi cái vị ngọt tự nhiên của thứ nước mắm không cần gia giảm thêm mì chính, đường và nước sôi. Cuốn nem nắm vào chiếc lá sung sần sần, thêm ít rau thơm rồi nhón qua bát nước mắm Sa Châu bạn có thể ăn vèo vèo hết cả chiếc nem mà vẫn cứ xuýt xoa cái vị béo béo ngầy ngậy của nem ăn hoài không chán.
2. Nem bùi Bắc Ninh
Không nổi tiếng như món bánh Phu Thê, món nem Bùi khá khiêm tốn. Ấy thế nhưng nếu ai một lần thưởng thức món nem nay chắc chắn sẽ không thể nào quên vị bùi bùi của bì lợn quyện trong thính. Điểm đặc biệt nữa của món nem này chính là rất nhiều thịt nạc ba chỉ và nạc vai.
Vị ngọt tự nhiên từ thịt được ngấu khi ăn kèm với lá sung và lá đinh lăng khiến thực khách ăn mãi mà chẳng chán. Cách ăn món nem thính này phổ biến nhất là cuốn với lá sung bánh tẻ, chấm với nước mắm chua ngọt. Nhưng nếu thích đậm đà, bạn có thể dùng bánh đa nem của làng Thổ Hà cuốn cùng.
3. Nem thính giòn Ninh Bình
Hơi khác với hai món nem thính kể trên, món nem giòn Ninh Bình ngoài bì lợn còn có thêm món tai lợn thái mỏng tang trộn cùng thính nếp. Món nem này cũng không được nắm chặt mà lại trộn rời rạc.
Món nem này có thể ăn ngay mà không cần chấm vì bản thân đã được trộn thêm nước mắm, tỏi, ớt, lá chanh, ớt chỉ thiên. Đặc biệt nhất là vị giòn-thơm của loại thính nếp đặc biệt được các những “nghệ nhân” nông dân làm nên.
Món nem này có thể ăn không như một đĩa nộm đầy màu sắc với hương vị thơm phức, cũng có thể cuốn thêm bánh tráng. Với dân nhậu thứ thiệt thì một đĩa nem nhỏ thôi cũng đủ “cưa” hết “xị” rượu, nhưng nếu không thích rượu thì uống cùng bia cũng đủ làm bạn ngất ngây!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét